Bảy hiệp hội "khóc" với Thủ tướng

Nhiều vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tưởng chừng đã được Chính phủ tháo gỡ thì nay, trong thực tế lại một lần nữa tắc nghẽn do chính sự chậm trễ của các cơ quan cấp dưới.
Bảy hiệp hội "khóc" với Thủ tướng

Nhiều DN phản đối quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” của Bộ Y tế.

Cuối tháng 6 vừa qua, 7 hiệp hội ngành nghề đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến thực phẩm gửi thư lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm) cùng các bộ, cơ quan liên quan kiến nghị được Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại để tháo gỡ vướng mắc.

Nhiều cơ quan hiếm khi nhận sai

Theo đó, trong thư kiến nghị của 7 hiệp hội (gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam), chỉ có một vướng mắc mới, còn lại đều là những vấn đề tưởng chừng đã được Chính phủ tháo gỡ xong.

Đó là câu chuyện quy định bắt buộc "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" theo Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng đã được cộng đồng DN phản ánh vướng mắc từ tháng 3-2017. Gần đây nhất, Nghị quyết 19/2018 ban hành tháng 5-2018 đã giao rõ nhiệm vụ cho Bộ Y tế chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị định 09/2016 theo hướng bãi bỏ 2 quy định trên, thay vào đó là "khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng".

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, đến nay, các bất cập trên vẫn chưa giải quyết khiến DN gặp khó trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, cho hay sở dĩ các hiệp hội phải gửi thư lên Thủ tướng vì cộng đồng DN đã làm đủ cách từ gửi văn bản đến trải qua hàng loạt cuộc đối thoại, thậm chí nội dung tháo gỡ vướng mắc đã ghi trong Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ nhưng văn bản sửa quy định vô lý chưa chính thức ban hành.

"Chưa có văn bản chính thức bãi bỏ quy định vô lý thì ngày ngày, DN vẫn phải thực hiện, làm giảm năng lực cạnh tranh, gây lãng phí xã hội. Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước rất bảo thủ, nhiều văn bản ban hành không phù hợp thực tế nhưng hiếm khi nhận sai. Giữa lúc cộng đồng DN gặp bức bách nhưng việc sửa đổi của cơ quan thực thi rất chậm" - bà Minh nhận xét.

DN không muốn phá sản oan

Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nêu thực tế nhiều vướng mắc của DN dù được tháo gỡ nhưng lại rất trễ. Năm 2017, Cục Thú y đã loại ra danh mục nhiều mặt hàng không phải kiểm dịch động vật như: cà phê, trà, bánh kẹo dù có chứa thành phần sữa nhưng phía hải quan vẫn yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch động vật mới cho thông quan. DN nào không biết quy định mới thì gửi mẫu kiểm nghiệm như cũ rất tốn kém còn DN biết thông tin phải làm công văn xin Cục Thú y xác nhận không cần kiểm tra để được thông quan hàng.

"Đáng lý khi có quy định không kiểm tra từ cơ quan quản lý chuyên ngành thì hải quan phải tự động bỏ chặn hàng của DN chứ không phải buộc DN đi chứng minh. Việc này phải diễn ra vài tháng thì hải quan mới không chặn hàng của DN đối với nhóm hàng xuất khẩu trên" - ông Tuấn dẫn chứng.

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (TP HCM), cho biết đang chấp hành quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột mì nhưng hoạt động sản xuất bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh. Nguyên nhân là khi bổ sung sắt, kẽm vào nguyên liệu khiến bột mì nổi đốm, màu sắc các sản phẩm thành phẩm không ổn định và bị biến đổi.

"Các thị trường nhập khẩu sản phẩm của công ty như Mỹ, Nhật, Canada,… không yêu cầu bổ sung sắt, kẽm, làm ảnh hưởng lớn đến giao dịch xuất khẩu của công ty. Chúng tôi phải sản xuất riêng 2 loại sản phẩm cho xuất khẩu và nội địa làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lao động, giảm năng lực cạnh tranh, giảm thị phần" - bà Chi bức xúc.

Đối với nước mắm Phú Quốc, hiện vẫn chưa áp dụng sử dụng muối i-ốt theo Nghị định 09/2016. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, khẳng định kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) cho thấy nước mắm Phú Quốc có độ đạm càng cao thì hàm lượng i-ốt tự nhiên càng nhiều. Cụ thể, nước mắm 20 độ đạm, 25 độ đạm, 35 độ đạm và 40 độ đạm có hàm lượng i-ốt lần lượt là 0,31 mg/lít, 0,35 mg/lít, 0,36 mg/lít và 0,4 mg/lít.

"Liên minh châu Âu đã bảo hộ quy trình sản xuất cho nước mắm Phú Quốc (sử dụng muối thường từ Bà Rịa - Vũng Tàu). Nếu sử dụng muối i-ốt thì sẽ phải làm như thế nào? Hơn nữa, sử dụng muối i-ốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm truyền thống (màu - mùi - vị) và giá trị kinh tế của sản phẩm" - bà Liên nêu.

Trong "tâm thư" gửi Thủ tướng, cộng đồng DN nêu vướng mắc mới là quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép cơ quan quản lý thị trường khi kiểm tra DN chỉ kiểm nghiệm mẫu 1 lần làm căn cứ xử lý vi phạm mà không cho DN được phép kiểm nghiệm lại khi không đồng thuận kết quả. Theo các DN, trong bối cảnh nhiều phương pháp kiểm nghiệm của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, các DN có thể bị phá sản vì kết quả kiểm nghiệm có sai sót, gây lo lắng lớn cho nhà đầu tư. Do đó, các DN đề nghị sửa đối quy định theo hướng cho phép DN được đề nghị kiểm nghiệm lại.

Ngoài ra, các DN còn mong muốn ngành nông nghiệp sớm thay đổi trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên. Các DN kiến nghị chỉ nên kiểm dịch động vật đối với sản phẩm còn ở dạng tươi sống hoặc sơ chế, không kiểm tra sản phẩm đã qua chế biến sâu (ví dụ sữa bột công thức). 

"Chiều" DN, sức khỏe của dân ai lo?

Về đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 09/2016 theo hướng loại bỏ cụm từ phải tăng cường muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ Y tế đang đánh giá, nghiên cứu dựa trên các bằng chứng khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Cường khẳng định Bộ Y tế sẽ làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến trình (sửa đổi Nghị định 09) vào quý III năm nay.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia y tế, sau khi Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế đã có hướng dẫn không kiểm tra chỉ tiêu i-ốt trong thực phẩm chế biến.

"Việc loại bỏ thành phần i-ốt trong thực phẩm cũng cần có những bằng chứng khoa học để khẳng định chắc chắn rằng vấn đề này sẽ không tác động đến sức khỏe. Nếu chúng ta cứ "chiều" DN thì vấn nạn bệnh bướu cổ sẽ quay trở lại. Hậu quả sẽ nặng nề hơn nhiều so với việc thực hiện một quy định có lợi cho sức khỏe người dân" - chuyên gia này nhận định.

Mới đây, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng công bố số liệu cho thấy Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới.

N.DUNG

Thay thế cán bộ chậm cải cách hành chính

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bộ đã chỉ đạo cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các đơn vị, phải thay đổi thái độ làm việc, phục vụ lợi ích của người dân và DN. Kịp thời phát hiện, thay thế những cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí làm việc để tư lợi.

Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu tổng rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết. Cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018.

Hiện Bộ NN-PTNT có 64 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm. Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 35/64 thủ tục hành chính, đạt 54,6%. Thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở tất cả các thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro; giảm tần suất lấy mẫu lô hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 33 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với 345 điều kiện đầu tư kinh doanh. "Bộ đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa 241/345 điều kiện, bảo đảm đáp ứng 69,8% điều kiện kinh doanh được cắt giảm" - ông Thắng cho hay.

V.Duẩn

Theo Ngọc Ánh / Người Lao Động

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…