Cơ hội cho các nhà đầu tư
Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn vào chiều tối ngày 12/2/2020 (theo giờ Việt Nam). Đây là một hiệp định quan trọng, đánh dấu sự thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu trong nước mở rộng quy mô sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam thu hút được sự chú ý và quan tâm của giới đầu tư nước ngoài. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước.
Theo kết quả báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, hiện nay, chỉ 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam tới liên minh châu Âu được hưởng mức thuế 0% thông qua biểu thuế ưu đãi toàn cầu (GSP). Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) ước tính rằng EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030. Tổng giá trị xuất khẩu tới liên minh châu Âu sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030. Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy đầu tư sản xuất tới Việt Nam, giúp duy trì dòng vốn FDI vào Việt Nam trong các năm tới.
Ông John Campbell – Tư vấn cao cấp – Dịch vụ Công nghiệp – Savills Việt Nam, đánh giá: Với 25% thuế quan xuất khẩu, Việt Nam được lợi nhiều trong việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp trong nước.
EVFTA sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, vì hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam cho các DN, nhà đầu tư châu Âu.
Theo Ủy ban châu Âu, Việt Nam cam kết cho phép các nhà thầu EU được tham gia thầu trong các gói thầu của: các Bộ ngành, bao gồm cả các gói thầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường xá và cảng biển, các doanh nghiệp nhà nước quan trọng, ví dụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực và đường sắt trên toàn quốc, 34 bệnh viện công, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, sau hiệp định, các nhà đầu tư từ Châu Âu có nhiều điều kiện để gia tăng đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam. Chuyển giao hoạt động sản xuất các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, chế tạo máy sẽ là điểm nhấn để phát triển ở Việt Nam.
Lộ trình này giúp Việt Nam tạo dựng niềm tin mạnh về sự tăng trưởng kinh tế và thu hút các hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất, từ đó đẩy mạnh nhu cầu sử dụng đất công nghiệp.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Hiệp định thương mại tự do này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, Chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí. Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam”.
BĐS công nghiệp Việt Nam được hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế
Đối với nhà đầu tư, việc được gỡ bỏ hàng rào thuế quan đã mở ra một thị trường rộng lớn cho việc trao đổi hàng hóa, thương mại, mở rộng đầu tư, giúp cho các DN nước ngoài tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định, việc ký kết hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) sẽ tạo đà cho sự chuyển dịch quy mô lớn của các tập đoàn công nghiệp vào Việt Nam.
“Chỉ xét về mức lợi nhuận trên chi phí và lợi nhuận trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11 – 12%, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực” – ông Nam nói.
Sự bùng nổ hoạt động thuê và cho thuê BĐSCN đã được dự đoán sớm ngay khi hiệp định EVFTA được thông qua và chuẩn bị để ký kết. Hiệp định mở ra khả năng cung cấp nguồn nhân lực giá rẻ đổi lấy dòng vốn FDI được đầu tư mạnh mẽ vào khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động cho thuê cơ sở hạ tầng trong trung hạn và dài hạn với mức giá phải chăng trong khu vực, giúp cho Việt Nam có lợi thế về gia công và sản xuất.
Việc ký kết hiệp định EVFTA với EU của Việt Nam cũng khẳng định tầm nhìn chiến lược khi Việt Nam là nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này giúp cho Việt Nam có nhiều lợi thế khi thị trường EU đang cần một đơn vị cung cấp nhân lực và hạ tầng khác ngoài “công xưởng thế giới” Trung Quốc do sự mạnh lên của đồng Nhân dân tệ.
Các yếu tố trên kèm theo các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư của các địa phương giúp Việt Nam trở thành “điểm đến vàng” đối với các nhà đầu tư từ EU nói riêng và toàn thế giới nói chung. Dự báo một sự bùng nổ đầu tư ồ ạt nhằm sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp từ EU và chuỗi giá trị khác vào Việt Nam sẽ xảy ra nhanh chóng trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới. Các nhà đầu tư Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội, chuẩn bị sẵn sàng các khu nhà xưởng cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn nhanh chóng về bất động sản công nghiệp này.