Bệ đỡ nào giúp “bé hạt tiêu” Thiên Sơn trúng hàng loạt gói thầu “khủng” của Hà Nội?

Kinh doanh thua lỗ triền miên, nợ phải trả vượt xa vốn chủ sở hữu nhưng Công ty Thiên Sơn lại được đánh giá là có “năng lực tốt” để trúng thầu hàng loạt dự án lớn tại Hà Nội.
Bệ đỡ nào giúp “bé hạt tiêu” Thiên Sơn trúng hàng loạt gói thầu “khủng” của Hà Nội?

CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) được thành lập ngày 15/10/2008 nhưng đến nay mới chỉ có 7 nhân viên và người đại diện trước pháp luật là ông Tưởng Thanh Tùng.

Trong vòng 5 năm trở lại đây (2016-2020) công ty duy trì mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu quanh mức hơn 5 tỷ đồng do bị ăn mòn bởi những khoản lỗ triền miên. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 gần 4,9 tỷ đồng.

Kinh doanh "bết bát"

Dù thua lỗ triền miên nhưng trong giai đoạn 2016-2020 quy mô tổng tài sản của Thiên Sơn lại tăng mạnh từ 11,59 tỷ đồng lên 49,65 tỷ đồng, đáng chú ý, năm 2019 còn đột biến tăng lên 56,01 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đồng hành với đà tăng của tài sản là sự đi lên của nợ phải trả. Theo đó, trong năm 2017, 2018 nợ phải trả của công ty cùng ghi nhận hơn 10 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu. Đến năm 2019, con số này đã tăng vọt lên gần 51 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu và năm 2020 hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Thiên Sơn vẫn là hơn 8 lần.

Nhìn vào những con số này có thể thấy, phần lớn tài sản của Thiên Sơn được hình thành từ nợ phải trả. Thế nhưng, đây có lẽ là một doanh nghiệp khá “may mắn” khi được nhiều gói thầu “khủng” của Hà Nội “rơi trúng”.

Có thể kể đến như Dự án Xây dựng đường ngang đê Đáy (huyện Mỹ Đức) (trúng thầu năm 2018). Đến tháng 12/2019, Liên danh này tiếp tục trúng gói thầu 29,6 tỷ đồng tại Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 429 đoạn từ cầu Ba Thá đến đường Hồ Chí Minh, huyện Mỹ Đức, có trị giá hơn 115,6 tỷ đồng, bên mời thầu là Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông.

Ngoài 2 dự án trên, Công ty Thiên Sơn còn trúng tiếp 3 gói thầu khác do Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông làm chủ đầu tư trong năm 2019.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, Công ty này còn liên tiếp trúng các gói thầu hàng tỷ đồng của các bên mời thầu như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chương Mỹ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn… Giá trị các gói thầu dao động từ nhiều tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Không chỉ “may mắn” Thiên Sơn còn khá “thú vị” với màn “thoát xác” ngoạn mục khi dù kinh doanh thua lỗ nhưng trước thềm các gói thầu – năm 2018, doanh nghiệp bất ngờ thoát lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ như “tráng men” với gần 60 triệu đồng, năm 2019 là 46,3 triệu đồng, nhưng đến năm 2020 chỉ còn gần 16,4 triệu đồng dù doanh thu mỗi năm đều ghi nhận hàng vài chục tỷ đồng.

Dấu hỏi về năng lực

Dù liên tiếp trúng thầu nhưng nhiều dự án của Thiên Sơn lại đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thậm chí gây bức xúc cho người dân đang sinh sống tại các địa phương có dự án thi công. Gần đây nhất là Dự án đường ngang đê Đáy (huyện Mỹ Đức).

Được biết, nhằm kết nối hạ tầng, bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội, ngày 23/10/2018, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5704/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường ngang đê Đáy-tỉnh lộ 419-đường trục huyện Mỹ Đức. 

Theo quyết định trên, dự án xây dựng đường ngang đê Đáy, đoạn từ cầu Mỹ Hoà đến tỉnh lộ 419 có chiều dài hơn 2,5km; UBND huyện Mỹ Đức là chủ đầu tư với tổng kinh phí 79,398 tỷ đồng. Theo kế hoạch cuối năm 2020, tuyến đường sẽ thông xe kỹ thuật, bảo đảm cho các phương tiện qua lại với tốc độ 80km/h.

Thế nhưng, đến nay công trình vẫn đang được thi công với tốc độ “rùa bò” khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đi lại của người dân địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông bởi nhiều vị trí mặt đường, vỉa hè vẫn chưa hoàn thiện.

Tại đoạn đường thuộc khu vực nghĩa trang thôn Lai Tảo còn xuất hiện nhiều thùng vũng, mặt đường lổn nhổn đá răm, khi có các phương tiện giao thông đi qua, bụi từ mặt đường cuốn lên mù mịt che khuất tầm quan sát của người điều khiển phương tiện ngược chiều…Thậm chí, dự án còn có phản ánh về dấu hiệu làm giả hồ sơ để trục lợi từ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Lý giải về vấn đề này, ông Vương Quang Hợp – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức cho biết, thời gian thực hiện công trình bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu là do trong quá trình thi công đã có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung các hạn mục, cùng với đó là việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nên có thể phải đến cuối năm 2021 mới có thể hoàn thiện.

Thực tế, việc hoàn thiện công trình là điều chắc chắn các đơn vị liên quan phải làm được trong thời gian tới nhưng câu chuyện ở đây là dấu hỏi về năng lực của đơn vị thi công - liên danh Thiên Sơn và CTCP Xây dựng đường bộ I Hà Tây, đặc biệt là thành viên chính Thiên Sơn.

Cũng theo ông Vương Quang Hợp, đây đều là những nhà thầu có năng lực tốt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, “năng lực tốt” mà ông Hợp nói đến ở đây là cái gì? Phải chăng đang có một sự ưu ái lớn ở đây? Hay Thiên Sơn được “chống lưng” bởi một thế lực nào đó? .

Bởi lẽ, như đã nói ở trên tình hình tài chính của Thiên Sơn đang được xếp vào hàng “báo động” với con số nợ phải trả “vọt xà”, không thể là “tem đảm bảo” cho doanh nghiệp tự tin đấu thầu. Cần phải nhắc lại là các dự án mà Thiên Sơn có được đều sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Có thể bạn quan tâm