Theo ông Giang xác nhận, năng lực sản xuất của ngành sợi liên tục được bổ sung trong những năm gần đây, do các dự án của doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các doanh nghiệp FDI như Texhong vào đầu tư.
Năm 2016, xuất khẩu xơ sợi đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2015.
Tuy nhiên, Hiện tại Việt Nam đang bị một số thị trường nhập khẩu chủ lực áp thuế chống bán phá giá, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi dún polyester và sợi nhân tạo tổng hợp…
Việc sợi xuất khẩu liên tiếp bị kiện và áp thuế chống bán phá giá đồng nghĩa với cơ hội xuất khẩu của sản phẩm sợi của Việt Nam sang các thị trường bị áp thuế đang ngày càng thu hẹp.
“Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá, sợi màu, sợi PE không thể xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ được nữa. Một thị trường mà sợi Việt có thể xuất khẩu tới 750 triệu USD/năm thì nay về con số 0", ông Giang nói.
Mặc dù gặp khó ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng xuất khẩu xơ sợi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 9 tháng 2017, được Bộ Công thương nhận định là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may. 9 tháng qua, xuất khẩu sợi tăng trưởng mạnh 23,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,61 tỷ USD.
Kết quả này có được là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu sợi điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đang mở rộng các thị trường mới như Hàn Quốc và tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới để hạn chế bớt tác động của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng, các vụ kiện nhằm vào ngành sợi vẫn chưa dừng lại. Ngày 22/8/2017, Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD)- thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ra thông báo (F No 14/33/2016-DGAD) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi nylon Filament Yarn (Multi Filament) nhập khẩu (EU) và Việt Nam.
Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 11 của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Ấn Độ với sản phẩm sợi của Việt Nam (hai vụ việc trước đây vào năm 2016 và 2008).