BIDV, Vietinbank, Vietcombank sẽ “ngót” bao nhiêu lãi?

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ, ba ngân hàng lớn đã phân loại nợ xấu chưa phù hợp, buộc phải đưa vào nhóm nợ xấu hơn. Điều này khiến cho chi phí dự phòng rủi ro tăng lên, làm hao hụt đáng kể lợi
BIDV, Vietinbank, Vietcombank sẽ “ngót” bao nhiêu lãi?

Kiểm toán nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2015, đáng chú ý, là hoạt động xử lý nợ xấu, phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu của ba “ông lớn” ngân hàng gốc quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank và Vietcombank. Kiểm toán năm tài chính 2014, KTNN phát hiện cả ba ngân hàng này đã thực hiện phân loại nợ chưa phù hợp, phải điều chỉnh lại dư nợ vào nhóm rủi ro cao hơn.

Che giấu nợ xấu

KTNN yêu cầu ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 379,6 tỷ đồng. Trong khi đó, BIDV phải tăng dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) là 187,7 tỷ đồng, nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là 133,1 tỷ đồng, nhóm 4 (nợ nghi ngờ) là 27,5 tỷ đồng, nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 9,5 tỷ đồng.

Tổng số nợ phải chuyển lên nhóm nợ “xấu hơn” là 357,8 tỷ đồng, nói cách khác BIDV đã “giấu” số nợ này ở nhóm nợ “đẹp hơn”.

Theo báo cáo tài chính năm 2014, BIDV có tổng dư nợ (chưa kể cho vay bằng vốn ODA) là 445.692 tỷ đồng, trong đó có 9.056 tỷ đồng nợ xấu (từ nhóm 2 đến 5), chiếm tỷ lệ 2,03% dư nợ. Nếu số 170 tỷ đồng nợ xấu được phân loại đúng thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này sẽ tăng lên mức 2,07%.

Việc phân loại nợ không đúng cũng giúp BIDV “tiết kiệm” đáng kể chi phí dự phòng rủi ro phải trích lập. Theo quy định, nhóm nợ một chỉ phải trích lập là 5%, tăng dần lên ở các nhóm nợ xấu hơn lần lượt là 20%, 50%, 100% dư nợ xấu.

Chẳng hạn, với 170 tỷ đồng nợ xấu (nhóm 3-4-5) mà BIDV phải chuyển nhóm nợ xấu hơn thì sẽ phải tăng thêm 49,7 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng, dẫn tới “ăn” vào lợi nhuận.

Tương tự, KTNN cũng chỉ ra hai ngân hàng Vietcombank và Vietinbank có gian lận về phân loại nhóm nợ. Theo đó, Vietcombank phải điều chỉnh giảm dư nợ nhóm một là 142,2 tỷ đồng, nhóm 3 là 1,2 tỷ đồng, nhóm 4 là 14,4 tỷ đồng. Song ngân hàng phải tăng dư nợ nhóm 2 là 144,8 tỷ đồng, nhóm 5 là 19,2 tỷ đồng. Chỉ với dư nợ 164 tỷ đồng phải “nhảy” sang nhóm xấu hơn, ước tính Vietcombank sẽ phải “tốn” thêm 26,44 tỷ đồng lợi nhuận cho việc dự phòng rủi ro.

Còn Vietinbank cũng phải tăng dư nợ nhóm 2 là 106,9 tỷ đồng và nhóm 5 là 35,5 tỷ đồng. Ước tính số 142,4 tỷ đồng dư nợ “ngồi nhầm chỗ” sau khi chuyển lên nhóm cao hơn, sẽ khiến ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro thêm 40,85 tỷ đồng…

Theo kết luận của KTNN, ba ngân hàng đã trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, như: Vietinbank (trích thiếu 20,5 tỷ đồng), BIDV (36,5 tỷ đồng), VCB (41,3 tỷ đồng). Điều này có nghĩa là lợi nhuận năm 2014 của các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm sau kết quả kiểm toán này.

Gấp gáp bán nợ xấu

Thời gian qua, chủ trương đẩy nhanh tái cơ cấu của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đã buộc các ngân hàng, nhất là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, phải tăng cường xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Được biết, các ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp “dọn” nợ xấu, như đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, mua bán nợ, tăng trưởng dư nợ, hoán đổi nợ thành cổ phần doanh nghiệp có nợ xấu…

Trong số này, biện pháp được áp dụng chủ yếu là bán nợ xấu sang cho công ty quản lý nợ và tài sản của các TCTD (VAMC), nhận về trái phiếu để vay tái cấp vốn. Với quy mô nợ xấu lớn, cả BIDV, Vietcombank, Vietinbank đều bán cho VAMC khối lượng nợ xấu rất lớn. “Quán quân” bán nợ cho VAMC là BIDV với khoảng 8.000 tỷ đồng (tính đến tháng 8/2015).

Theo tính toán của công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), tổng mệnh giá trái phiếu VAMC mà BIDV sở hữu đến cuối năm 2015 là 22.000 tỷ đồng, bằng 3,7% tổng dư nợ năm 2015 với tỷ lệ trích lập là 20%/năm. Có nghĩa là từ năm 2016, BIDV sẽ phải trích lập ít nhất 4.400 tỷ đồng dự phòng chỉ cho số trái phiếu này.

Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra tháng 4/2016, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, thừa nhận là ngân hàng đã bán nhiều nợ xấu cho VAMC với tổng mệnh giá trái phiếu nhận về luỹ kế khoảng 20 nghìn tỷ đồng (năm 2015 là hơn 13 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, “Quyền năng cũng như khả năng xử lý của VAMC chưa đạt được như mong muốn; do đó, năm 2016, chúng tôi chưa có kế hoạch bán nợ cho VAMC. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo thu nợ, trích dự phòng rủi ro cho VAMC dự kiến là 4.000 tỷ đồng”- ông Tú chia sẻ.

Để giảm nhanh khối nợ xấu trên sổ sách, Vietcombank cũng chọn giải pháp bán nợ sang cho VAMC, với số nợ đã bán 2.609 tỷ đồng trong năm 2015, thu về 1.989 tỷ đồng trái phiếu VAMC, nâng giá trị trái phiếu nắm giữ lên 3.914 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu là 2%, song nếu tính cả nợ xấu tại VAMC thì lên tới 3,67%. Nợ xấu lớn nên ngân hàng cũng “tốn” 6.000 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro. Vietinbank cũng đã bán 6.291 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, lũy kế đến cuối năm 2015 lên 10.341 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đã giảm tích cực về mức thấp 0,91%.

Theo Hải Hà/TBKD

Có thể bạn quan tâm