Điểm mới của cuộc bình chọn năm nay là, sau khi được lựa chọn từ 2 sở giao dịch chứng khoán, kết quả chấm BCTN được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, Ernst&Young, KPMG và PwC, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Năm nay, Hội đồng Bình chọn được mở rộng, tăng lên 9 thành viên, với sự tham gia của 2 thành viên mới là đại diện của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ngoài những tiêu chí cơ bản, Cuộc bình chọn năm 2017 xét cộng điểm thưởng cho các BCTN có báo cáo tài chính được lập theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và cho BCTN có bản tiếng Anh, khi xét điểm vào vòng chung khảo (tối đa 5 điểm cho mỗi nội dung).
Việc xét cho điểm thưởng ở những nội dung này nhằm khuyến khích doanh nghiệp lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Ban Tổ chức Cuộc bình chọn, trong các năm tới, Cuộc bình chọn sẽ hướng tới thúc đẩy áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin; khuyến khích doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty và quản trị rủi ro để hướng đến phát triển bền vững; mở rộng kêu gọi các tổ chức chuyên nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia Hội đồng Bình chọn.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, nhà tài trợ độc quyền của Cuộc bình chọn cho rằng, BCTN của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào về nội dung, hình thức, cách thức truyền tải sau 10 năm tới là xu hướng mà Ban Tổ chức cần hình dung để định hướng dẫn dắt quá trình nâng cao chất lượng BCTN và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sớm rút ngắn khoảng cách với các thị trường trong khu vực.
“Năm 2017, từ 638 báo cáo thường niên (BCTN) đủ điều kiện tham gia bình chọn, có 125 doanh nghiệp có BCTN lọt vào vòng chung khảo. Trong đó, 50 BCTN tốt nhất đã được vinh danh tại lễ trao giải Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất năm 2017.