Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về đóng mới tàu cá, Bình Định được Bộ NN& PTNT phân bổ với số lượng 305 tàu cá, UBND tỉnh đã phê duyệt 260 hồ sơ đủ điều kiện vay vốn đóng mới. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt thêm 37 hồ sơ đóng mới tàu cá theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, trong đó có 58 hợp đồng đóng mới và 1 hợp đồng nâng cấp tàu vỏ gỗ với tổng số vốn cam kết cho vay hơn 893 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 831 tỷ đồng. Trong 58 tàu đóng mới, có 54 tàu đóng xong và hạ thủy; 4 tàu còn đang thi công.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, một số ngư dân phản ánh về tình trạng vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị sự cố, lưới cuốn chân vịt, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với đơn vị liên quan và chủ tàu, cơ sở đóng tàu, kiểm tra, giám định chất lượng vỏ tàu, máy tàu bị hư hỏng và chỉ đạo việc khắc phục các hư hỏng cho 20 tàu cá vỏ thép đóng tại hai doanh nghiệp là: Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định) cho biết: Đến nay, đã có 12/20 tàu vỏ thép bị hư hỏng đã được kéo lên đà để sửa chữa.
Theo kế hoạch ban đầu thì từ 12/7- 30/8 các công ty đóng tàu sẽ hoàn thành việc sữa chữa, bàn giao tàu cho ngư dân. Tuy nhiên trong quá trình khắc phục sai sót có nhiều hạng mục phát sinh nên các công ty này xin dời lại đến ngày 30/9 tới sẽ hoàn thành việc sửa chữa, bàn giao tàu cho ngư dân.
>> Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ