Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Dow Jones tăng 619,05 điểm (+1,56%) lên 40.212,71 điểm, S&P 500 thêm 95,31 điểm (+1,81%) thành 5.363,36 điểm và Nasdaq leo 337,15 điểm (+2,06%) thành 16.724,46 điểm.
Toàn bộ 11 nhóm ngành chính thuộc chỉ số S&P 500 đều kết phiên trong sắc xanh, với lĩnh vực nguyên vật liệu và công nghệ ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Cuối phiên vừa qua, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều bật tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York John Williams cho biết kinh tế Mỹ không bước vào giai đoạn lạm phát cao và tăng trưởng thấp, và Fed sẽ can thiệp kịp thời để ngăn tình trạng “lạm phát đình trệ” (stagflation).
Bên cạnh đó, chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins, cũng trấn an các nhà đầu tư rằng Fed sẵn sàng hành động nếu cần thiết để đảm bảo thị trường tài chính tiếp tục hoạt động ổn định.
Một dấu hiệu cho thấy mức độ biến động lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ là khoảng cách giữa ngưỡng cao và thấp nhất trong tuần của S&P 500 đã đạt mức rộng nhất kể từ cuối tháng 3/2020 - thời điểm nhiều nơi trên thế giới bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19.
“Nhà đầu tư đang bị giằng co giữa hy vọng và lo lắng, họ tìm kiếm những tín hiệu tích cực rằng bất ổn sẽ sớm được giảm bớt. Tuy nhiên, diễn biến “tàu lượn” tuần này có thể mới chỉ là khởi đầu”, ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành AXS Investments tại New York nhận định.
Trong tuần qua, chính quyền Donald Trump đã tạm hoãn áp thuế đối ứng lên hàng hóa của 75 đối tác thương mại nhưng lại leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đã trả đũa lại bằng cách nâng thuế lên 145% đối với hàng Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đẩy thị trường vào trạng thái “rung lắc” mạnh và khiến niềm tin người tiêu dùng tiếp tục giảm sút. Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới đã tăng vọt lên 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới nhất lại tiếp tục cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, với chỉ số giá sản xuất (PPI) bất ngờ giảm 0,4% trong tháng trước.
Ở một diễn biến khác, mùa báo cáo tài chính quý 1/2025 đã có được những khởi đầu tích cực. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Wells Fargo đều công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng. Dù vậy, những cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế do tranh chấp thương mại đã làm giảm niềm hứng khởi của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo dữ liệu từ LSEG, giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của các công ty trong S&P 500 sẽ đạt 8% trong quý 1, thấp hơn nhiều so với mức 12,2% được dự báo hồi đầu năm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch Mỹ đạt 19,19 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 18,74 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất.
GIÁ DẦU TĂNG HƠN 2%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu leo hơn 1 USD sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết Mỹ có thể sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhằm gây sức ép buộc nước này phải nhượng bộ trong chương trình hạt nhân.
Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 64,76 USD/thùng, tăng 1,43 USD, tương đương 2,26%. Dầu thô WTI của Mỹ chốt ở mốc 61,50 USD/thùng, tăng 1,43 USD, tương đương 2,38%.
“Mỹ giờ đây đã trở thành một yếu tố rủi ro địa chính trị, điều khá mới lạ đối với thị trường”, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital nói.
Những chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump đã khiến các nhà giao dịch phải đánh giá lại rủi ro địa chính trị đối với thị trường dầu mỏ. Vào thứ Sáu, Trung Quốc thông báo sẽ nâng thuế lên 125% đối với hàng hoá Mỹ sau khi ông Donald Trump tăng thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc vào một ngày trước đó. Nhiều chuyên gia cảnh báo, cuộc xung đột kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng làm giảm lưu lượng thương mại toàn cầu, phá vỡ các tuyến thương mại và gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế, từ đó kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.
“Mặc dù Mỹ trì hoãn áp thuế đối ứng với 75 quốc gia - trừ Trung Quốc - thêm 90 ngày, nhưng thiệt hại đối với thị trường là đã xảy ra và khiến giá cả khó có thể sớm phục hồi lại mức cao như trước”, ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank bình luận.