Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Dow Jones giảm 1.014,79 điểm (-2,50%) xuống 39.593,66 điểm, S&P 500 mất 188,85 điểm (-3,46%) còn 5.268,05 điểm và Nasdaq trượt 737,66 điểm (-4,31%) thành 16.387,31 điểm.
Trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500, chỉ có ngành hàng tiêu dùng thiết yếu giữ được sắc xanh, trong khi năng lượng và công nghệ chịu mức giảm mạnh nhất.
Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn chìm trong sắc đỏ, với "Magnificent Seven" bao gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta và Tesla đều mất từ 2,3% đến 7,3%.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều gần như đã xoá sạch phần lớn mức tăng của phiên trước. Những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã lấn át sự lạc quan về dữ liệu kinh tế tích cực và các cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu.
"Nhà đầu tư vẫn chưa yên tâm vì họ không biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao. Hiện tại, thuế quan vẫn là mối quan tâm hàng đầu của thị trường. Nhiều nhà đầu tư vẫn ngại mua cổ phiếu khi thị trường biến động mạnh như thế này ”, ông Paul Nolte, cố vấn cấp cao tại Murphy & Sylvest, nhận định.
Về phía châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ trì hoãn việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ để các nước thành viên có thời gian đàm phán với Washington.
Ở một diễn biến khác, báo cáo Chỉ số Giá Tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ mới đây cho thấy giá hàng hóa tiêu dùng trong tháng 3 bất ngờ giảm nhẹ. Lạm phát lõi chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, tiến gần đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dù vậy, hướng đi của Fed vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại còn đang diễn ra.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cho rằng kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, nhưng tác động từ chính sách thuế quan còn chưa rõ ràng. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cũng lưu ý, quyết định cắt giảm thêm lãi suất có thể trở lại nếu các bất ổn về chính sách thương mại được giải quyết.
Chỉ số Biến động CBOE (VIX), thường được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall”, vẫn ở mức cao, nhưng đã giảm so với mốc đỉnh 40,86 điểm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 23,65 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 18,50 tỷ của 20 phiên vừa qua.
GIÁ DẦU MẤT HƠN 3%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng khi nhà đầu tư hướng sự chú ý sang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 2,15 USD, tương đương 3,3%, xuống 63,33 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 2,28 USD, tương đương 3,7%, xuống 60,07 USD/thùng.
Trước đó, cả hai đều tăng hơn 2 USD/thùng sau khi chính quyền Donald Trump tạm hoãn áp mức thuế khổng lồ lên hàng hóa nhập khẩu từ 75 đối tác thương mại. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, ông lại tăng thuế đối với Trung Quốc. Hiện thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%.
Phía Trung Quốc cũng đáp trả lại bằng mức thuế 84% đối với hàng hoá Mỹ.
Theo công ty tư vấn giao dịch Ritterbusch and Associates, việc tăng thuế có thể khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu từ Mỹ, làm tăng lượng dầu tồn kho tại Mỹ.
Số liệu từ Kpler cho thấy, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 112.000 thùng/ngày trong tháng 3, giảm gần một nửa so với mức 190.000 thùng/ngày của năm ngoái.
"Nếu các cuộc chiến thương mại kéo dài, kinh tế toàn cầu có thể chịu tổn thất đáng kể”, ông Henry Hoffman, đồng quản lý danh mục đầu tư tại Catalyst Energy Infrastructure Fund nhận định.