Bình Thuận: Giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trong khu công nghiệp

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trên cơ sở tuân theo các quy định của pháp luật.
Bình Thuận: Giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trong khu công nghiệp

Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp yên tâm sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho các nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, II, huyện Hàm Thuận Nam và Khu công nghiệp Sông Bình, huyện Bắc Bình.

Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp theo quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt vẫn còn chậm; năng lực tài chính, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp còn hạn chế; công tác xác định giá đất cụ thể và công tác đền bù giải toả còn chậm; công tác xúc tiến đầu tư, chuẩn bị đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ...

Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng sớm hoàn thiện hạ tầng tại các khu công nghiệp; quan tâm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào hoạt động; yêu cầu chủ đầu tư cam kết thời gian thực hiện dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm trình Hội đồng thẩm định giá của tỉnh phê duyệt giá đất tại các Khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1 làm cơ sở để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; hướng dẫn địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; phối hợp với các địa phương làm tốt công tác quản lý đất đai, nhất là tại các khu vực có dự án, khu công nghiệp; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh cơ chế giao đất, cho thuê đất một lần trong các khu công nghiệp.

Riêng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh nguồn vốn thực hiện các dự án trong khu công nghiệp. Sở Giao thông vận tải thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn, đồng thời quan tâm thực hiện tuyến đường ngoài hàng rào các khu công nghiệp.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 9 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển thành lập đến năm 2020, với tổng diện tích 3.003,4 ha. Trong đó, có 8 Khu công nghiệp đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng và triển khai công tác đền bù giải tỏa ; 1 Khu công nghiệp đang triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Có 5 Khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 89 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16.193 tỷ đồng và 231,1 triệu USD với diện tích cho thuê 277,7 ha, đạt tỷ lệ 37,8% diện tích các Khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó, có 64 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề gia công, sản xuất giày dép, bao bì carton, các sản phẩm nội thất từ gỗ, giấy dính cao cấp xuất khẩu, bảo quản và đóng gói quả thanh long, chế biến thực phẩm như nước mắm, nước tương, tương ớt các loại, hạt nêm,… Tổng số lao động hiện nay trong các Khu công nghiệp là 10.800 người.

Có thể bạn quan tâm