Bộ Công Thương cập nhật thông tin quá trình đàm phán với Mỹ về áp thuế đối ứng 46%

Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhiều công việc nhằm giải thích rõ hơn với phía Mỹ về các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế…

Vấn đề đàm phán với Mỹ về việc áp mức thuế đối ứng mới đang được Chính phủ, ngành Công Thương tích cực triển khai. Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ có liên hệ với cơ quan ngoại giao để sớm thực hiện cuộc điện đàm với người cùng cấp phía Mỹ.

ƯU TIÊN PHƯƠNG ÁN ĐÀM PHÁN

Chủ trì họp báo thường kỳ quý 1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, ngay sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm, cũng như các kênh khác nhau để tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là trưởng đại diện Thương mại Mỹ để tiếp tục có đàm phán.

Mặc dù trước đó bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chuyến công tác làm việc tới Mỹ và có trao đổi, làm việc khá nhiều nội dung, song ông Tân cho hay để chuẩn bị cho điện đàm sắp tới, cần tiếp tục chuẩn bị các vấn đề đàm phán mà Mỹ quan tâm. Mục tiêu là nhằm giải thích rõ hơn các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

"Do công hàm mới gửi hôm qua, nên bộ đang đề nghị đại sứ quán và trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ có trao đổi tích cực với phía bạn để cung cấp thông tin. Trong chiều nay, Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu để lắng nghe các tác động, tiếp thu và ghi nhận các ý kiến để đưa ra phương án xử lý gắn với quyền lợi của doanh nghiệp", ông Tân cho hay.

Ông Tân cho biết, tuần sau sẽ có đoàn công tác sang Mỹ do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn. Bộ Công Thương sẽ do ông cùng đoàn sang làm việc.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Tân cũng khẳng định, trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

Việc này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, là chưa bàn đến việc thay đổi mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu với tinh thần bình tĩnh nhìn tổng thể và toàn diện.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng khuyến nghị, trong bối cảnh này cần có trao đổi với các đối tác nhập khẩu để tìm ra giải pháp thích hợp ngoài việc rà soát hoạt động kinh doanh.

Ở một góc độ tích cực hơn, thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, trong đó khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, từ 9/4.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.

Ông Tân cũng cho rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội liên quan tới câu chuyện độc lập, tự chủ nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Dữ liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua khi đây được đánh giá là thị trường tiêu dùng lớn, nhu cầu cao. Do đó có tới 15 nhóm ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm 2024.

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ

Thông tin thêm về cuộc điện đàm sắp tới của bộ trưởng Bộ Công Thương với người đồng cấp, ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), cho hay Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía bạn, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.

“Bài phát biểu của ông Trump có nhận xét tích cực với Việt Nam, là tín hiệu tốt để hai bên trao đổi trong vài ngày tới trước thời điểm ngày 9/4, hướng tới việc cùng xử lý vấn đề hai bên đang vướng mắc”, ông Linh nói.

Trước bối cảnh hiện nay, ngành công thương lưu ý các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu.

"Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa", ông Tạ Hoàng Linh nói.

Ông cho biết thời gian tới Bộ Công Thương thúc đẩy đàm phán FTA với các nước Mỹ Latinh, Nam Á, Đông Âu , Trung Đông, Pakistan, Ai Cập… Trước mắt, cơ quan này đang thúc đẩy đàm phán với thị trường Brazil.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.

Về phương án dài hạn, Việt Nam cũng sẽ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Bởi theo ông, một nền xuất khẩu bền vững không thể chỉ dựa vào gia công, mà còn phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế có sức chống chịu bền bỉ hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài.

Trước đó, sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới. Theo đó, áp thuế quan có đi có lại - hay còn gọi là thuế đối ứng - ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế 46%, mức gần cao nhất trong danh sách. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.

Có thể bạn quan tâm