Trung Quốc và Canada phản ứng sao trước thuế quan của Mỹ?

Động thái thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải một làn sóng phản ứng dữ dội và dự kiến sẽ kích hoạt hàng loạt động thái đáp trả từ các đối tác thương mại lớn...

interactive-tariffs-cover-us-feb3-2025-copy-1738675652png.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại” vào ngày 2/4 vừa qua khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trước lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại quy mô lớn.

Riêng Trung Quốc sẽ phải chịu thuế bổ sung 34%, thêm vào mức 20% mà ông Trump đã áp dụng trước đó. Việt Nam sẽ bị đánh thuế 46%, trong khi Thái Lan là 36% và Liên minh Châu Âu (EU) là 20%.

Mexico và Canada, hai đối tác thương mại lớn nhất và cũng là láng giềng của Mỹ, dù không có tên trong danh sách, nhưng vẫn đang đối mặt với mức thuế 25% cho tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ nếu không thuộc diện được miễn theo Hiệp định USMCA.

Tất nhiên, những đề xuất thuế quan này có thể thay đổi. Phía Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán lại nếu các đối tác thương mại chấp nhận điều chỉnh những bất cân xứng trong thương mại.

Tổng thống Trump vẫn luôn cho rằng các chính sách thuế quan mới có thể giúp làm giảm thâm hụt thương mại và đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Việc ông Trump nhắm vào hệ thống thương mại toàn cầu, mà ông vốn cho là đã “lợi dụng” nước Mỹ, đã châm ngòi cho một làn sóng phản ứng dữ dội.

Chỉ vài phút sau khi ông Trump đưa ra tuyên bố, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chỉ trích các mức thuế này vì cho rằng chúng gây hại cho kinh tế toàn cầu.

CANADA

Chia sẻ trong một bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Canada Mark Carney viết: “Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải hành động có mục đích. Chính phủ của tôi sẽ đấu tranh chống lại thuế quan của Mỹ”.

Canada là một trong số các quốc gia đầu tiên cam kết sẽ đáp trả lại hành động Mỹ. Vào tháng trước, Canada đã quyết định áp thuế 25% lên các phương tiện nhập khẩu từ Mỹ mà không tuân thủ thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Tân Thủ tướng Mark Carney, người vừa thay thế ông Justin Trudeau, cho biết mức thuế mới sẽ không áp dụng cho linh kiện ô tô và không ảnh hưởng đến hàm lượng linh kiện từ Mexico. Ông nói rằng số tiền thu được từ biện pháp thuế mới nhất của Canada, ước tính khoảng 8 tỷ CAD, sẽ được chuyển trực tiếp đến công nhân ngành ô tô và những người bị ảnh hưởng.

Động thái này của Canada là phản ứng trực tiếp việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa không thuộc Hiệp định USMCA vào ngày 6/3. Tiếp đó, vào ngày 12/3, ông Trump lại áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu.

cfv5zak4mrj5jhu5azqf2l6pyu.jpg

Chính phủ Canada cũng đã thực hiện những bước đi quyết liệt, ví dụ như việc cựu Thủ tướng Trudeau áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 30 tỷ CAD (20,92 tỷ USD). Gói thuế này là một phần trong kế hoạch đáp trả tổng thể nhắm đến 155 tỷ CAD hàng nhập khẩu từ Mỹ, tuy nhiên khoản thuế với 125 tỷ CAD còn lại đã tạm thời bị trì hoãn. Ông Trudeau cũng từng khẳng định Canada sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp trả đũa phi thuế quan liên quan đến khoáng sản quan trọng, mua sắm năng lượng và các mối quan hệ đối tác khác.

Các mức thuế này dự kiến duy trì cho đến khi Mỹ dỡ bỏ thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada.

Trong đợt thuế trả đũa đầu tiên, 1.256 sản phẩm chủ lực củ Mỹ như nước cam, bơ đậu phộng, rượu vang, rượu mạnh, bia, cà phê, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, xe máy, mỹ phẩm và giấy bột… đều nằm trong “tầm ngắm”.

Rất nhiều nhà bán lẻ của Canada đã gỡ bỏ rượu Mỹ khỏi danh mục sản phẩm và Thủ hiến Ontario Doug Ford tuyên bố sẽ cấm tất cả công ty Mỹ tham gia đấu thầu trong các dự án mua sắm của chính phủ. Bang Ontario cũng đã hủy hợp đồng trị giá 100 triệu CAD với Starlink của Elon Musk.

Bên cạnh đó, Canada còn “đóng băng” toàn bộ khoản hoàn thuế cho Tesla và cấm hãng xe điện này tham gia các chương trình ưu đãi xe điện trong tương lai. Thủ đô Toronto cũng đã ngừng cung cấp các ưu đãi tài chính cho xe Tesla được sử dụng làm taxi hoặc dịch vụ chia sẻ xe do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Khi được hỏi vào ngày 25/3 về khả năng áp dụng các biện pháp như kiểm soát xuất khẩu hoặc đánh thuế xuất khẩu, Thủ tướng Mark Carney trả lời rằng đây là những lựa chọn khả thi.

TRUNG QUỐC

Giống như Canada, Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước hành động mà họ gọi là "bắt nạt" từ Mỹ.

Mặc dù Bắc Kinh không khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa, nhưng tuyên bố của họ nêu rõ: "Mỹ đã đưa ra cái gọi là “thuế quan đối ứng” dựa trên đánh giá chủ quan và đơn phương, điều này không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế".

Trung Quốc kêu gọi chính quyền Trump hủy bỏ các mức thuế này và giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng.

Hiện tại, khoảng 20% nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo Goldman Sachs, nếu Mỹ nâng thuế lên 60% đối với hàng Trung Quốc, GDP thực tế của Trung Quốc có thể giảm khoảng 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn dự báo GDP của Trung Quốc tăng 4,5% trong năm nay.

108099162-17389347462025-02-07t101402z-1004445950-rc2jpcag41s3-rtrmadp-0-usa-trump-tariffs-china.jpg

Theo các nhà phân tích, phản ứng chính của Trung Quốc đối với thuế quan mới của Mỹ trong thời gian tới sẽ là tập trung vào kích thích kinh tế trong nước và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại khác.

Giáo sư Bruce Pang từ Trường Kinh doanh CUHK nhấn mạnh Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu dùng trong nước như một ưu tiên hàng đầu. Kể từ tháng 9/2024, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, tăng trợ cấp tiêu dùng và tìm cách chặn đà suy thoái trong lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, vào tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hiếm hoi với các doanh nhân công nghệ, bao gồm nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực tư nhân.

Chính sách nới lỏng này đánh dấu sự thay đổi so với giai đoạn siết chặt quy định trước đây và phản ánh dự báo của Bắc Kinh về sự suy giảm xuất khẩu.

Như nhà kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie đánh giá, Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp kích thích nội địa để bù đắp tác động từ thuế quan, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%.

Bên cạnh đó, thay vì áp thuế trả đũa, Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng danh sách đen, kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng, duy trì sức mạnh của đồng nhân dân tệ mạnh so với đồng USD và không giảm giá hàng hóa xuất khẩu nhằm đẩy áp lực lạm phát sang Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Cameron Johnson, một đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải dự đoán Trung Quốc sẽ không gây khó khăn không cần thiết cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại nước này mà thay vào đó sẽ tập trung xây dựng quan hệ thương mại với các đối tác khác.

Kể từ khi Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu vào năm 2021, thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đã gia tăng đáng kể, biến khu vực này thành đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, vượt qua cả EU và Mỹ. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Theo nhà kinh tế Yue Su của Economist Intelligence Unit, một cách tự nhiên, các nước thành viên RCEP sẽ thắt chặt quan hệ thương mại với nhau, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và chính phủ sẵn sàng triển khai các biện pháp tài khóa khi cần.

Có thể bạn quan tâm

Mỹ mở chiến dịch “săn trứng” toàn cầu

Mỹ mở chiến dịch “săn trứng” toàn cầu

Chính phủ Mỹ đang ráo riết "săn lùng” nguồn cung trứng từ châu Âu và nhiều quốc gia khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng khiến giá cả leo thang…

Elon Musk hứa giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 1,3 nghìn tỷ USD

Elon Musk hứa giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 1,3 nghìn tỷ USD

Tỷ phú Elon Musk, người dẫn đầu nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang của chính quyền Donald Trump, đã đặt mục tiêu tiết kiệm hơn 1.000 tỷ USD cho chính phủ trong vòng 130 ngày, dù cho kế hoạch này đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và phản ứng trái chiều…

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ rúng động trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả xe hơi và linh kiện ô tô nhập khẩu. Quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu…

CEO Samsung Han Jong-hee đột ngột qua đời

CEO Samsung Han Jong-hee đột ngột qua đời

Phó Chủ tịch kiêm CEO Samsung Electronics Han Jong-hee, người đã có công dẫn dắt tập đoàn đạt được nhiều đột phá công nghệ và giữ vững vị thế toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 63…

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Năm 2025 mới chỉ bắt đầu được 3 tháng nhưng đã là quãng thời gian đầy khó khăn cho "Magnificent Seven”, nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu Phố Wall. Tesla, Nvidia, Apple và Amazon đều chứng kiến vốn hoá bốc hơi hàng trăm tỷ USD, báo hiệu một năm đầy biến động phía trước…