Bộ Công Thương kiên trì đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

Bộ Công Thương cho biết rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện từ 6 xuống 3 tháng để cân bằng tài chính của EVN...

Bộ Công Thương kiên trì đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

Theo dự thảo mới thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi quý sẽ có một đợt thay đổi giá nếu chi phí đầu vào của giá điện liên tục tăng và một năm giá sẽ được cập nhật tối đa 4 lần theo chi phí phát điện.

Bộ Công Thương cho rằng, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ.

Từ năm 2017 tới nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.

Bộ Công Thương cho rằng, thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.

Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 3 tháng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Nội dung này cũng đã được lấy ý kiến các bộ ngành và không có ý kiến phản đối.

Mục tiêu là vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, vừa có thể cân nhắc những thời điểm mà các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi để xem xét thực hiện việc điều chỉnh giá điện. Từ đó, cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.

Về một số ý kiến chuyên gia liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, đặc biệt là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền và cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN, Bộ Công Thương cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Do đó, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập là không cần thiết.

Liên quan việc điều chỉnh tăng giá điện, đầu tháng 8 vừa qua, EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng sẵn sàng điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo hướng tăng, giảm theo thị trường nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên. Tập đoàn sẽ giảm giá điện nếu chi phí đầu vào giảm 1%.

EVN cũng ủng hộ việc Bộ Công Thương mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên để minh bạch thông tin trước dư luận.

Được biết, năm 2022, chi phí mua nhiên liệu sản xuất điện tăng vọt do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ giữa quý 1, trong khi giá bán lẻ giữ ổn định, dẫn tới EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Năm nay, giá nhiên liệu bớt căng thẳng nhưng vẫn ở mức cao so với trước năm 2022, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 4/5 đã giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cho biết, nửa đầu năm nay "ông lớn" ngành điện ghi nhận lỗ khoảng 35.400 tỷ đồng, nhưng tới tháng 8, số lỗ này giảm về còn 28.700 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).