Bộ Công Thương muốn siết chặt kinh doanh TMĐT có "yếu tố nước ngoài"

Bộ Công Thương đề xuất bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài dựa trên thực tiễn và cơ sở pháp lý của các nghị định liên quan hiện nay.
Bộ Công Thương muốn siết chặt kinh doanh TMĐT có "yếu tố nước ngoài"

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, Nghị định 52/2013/NĐ-CP không có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch TMĐT Việt Nam trong khi Điều 9 Luật Đầu tư (sửa đổi) số 61/2020/QH14 vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định đối với Thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, cụ thể như sau:

“Điều 67b. Thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam

1. Thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động bán hàng hóa theo quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam

2. Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử đó, đồng thời có trách nhiệm sau:

a) Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hoặc

b) Tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử; hoặc

c) Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.”

Theo Bộ Công Thương lý do là: Nghị định 52 không có quy định cụ thể đối với người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT, tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều sàn giao dịch TMĐT mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình TMĐT xuyên biên giới và được người tiêu dùng đặt mua. Người bán nước ngoài đem lại sự phong phú về nguồn cung hàng hóa, tuy nhiên, các hoạt động này cũng làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của thị trường, đặc biệt trường hợp trong quá trình giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với chủ thể có hiện diện tại Việt Nam.

Điều 67c được bổ sung để làm rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT khi có người bán nước ngoài, theo đó chủ sàn sao dịch TMĐT Việt Nam là người chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn; quy định này cũng phù hợp với các quy định về việc xác nhận danh tính của người bán nội địa trên sàn giao dịch TMĐT.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ TMĐT. Theo đó, Điều 67c có nội dung quy định như sau:

“Điều 67c. Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử

1. Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

2. Các điều kiện tiếp cận thị trường gồm:

a) Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư.

b) Nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ.

c) Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

Lý do là: Việc quy định một số điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách và cần thiết. Đây là quy định thiết thực thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Xem thêm

Vì sao sàn TMĐT Bigbuy24h bị yêu cầu dừng hoạt động?

Vì sao sàn TMĐT Bigbuy24h bị yêu cầu dừng hoạt động?

Mới đây, sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com đã bị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu dừng hoạt động bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và có những dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 TMĐT đứng Top 3 ASEAN

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 TMĐT đứng Top 3 ASEAN

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.
Sàn thương mại điện tử đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ thương hiệu

Sàn thương mại điện tử đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ thương hiệu

Trong bối cảnh nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ nỗ lực đẩy mạnh số hóa để tiếp cận lượng người dùng trực tuyến ngày một tăng lên, các sàn TMĐT cũng gia tăng hỗ trợ các thương hiệu xây dựng nhiều hoạt động tiếp thị và chiến lược tiếp cận người dùng.

Có thể bạn quan tâm