Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn với các địa phương về mức độ phát triển TMĐT.
Kế hoạch cũng đề ra việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Kế hoạch cũng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 cả về quy mô thị trường TMĐT, hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp cũng như về phát triển nguồn nhân lực TMĐT.
Theo đó, về quy mô thị trường TMĐT, kế hoạch đặt mục tiêu vào năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Cùng với đó, doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đối với hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, theo kế hoạch, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT sẽ đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT…
Về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: Đến năm 2025, các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến…
Bộ Công Thương là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phát hành hồi trung tuần tháng 9/2019 cho hay, những năm gần đây, doanh thu TMĐT B2C của Việt Nam đã liên tục, từ mức doanh thu 4,07 tỷ USD vào năm 2015 lên 6,2 tỷ USD năm 2017 và đạt tổng doanh thu 8,06 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng 30% so với năm trước.
Theo Báo cáo “Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018” do Google - Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực.