Bộ GTVT đề xuất taxi công nghệ phải gắn logo phản quang

Bộ GTVT đề xuất dán logo phản quang “xe hợp đồng” trên kính trước và kính sau, đồng thời, quy định niên hạn dưới 12 năm như taxi.
Bộ GTVT đề xuất taxi công nghệ phải gắn logo phản quang

Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 “hết sức khó khăn và phức tạp”, dẫn tới từ năm 2016 đến nay, Bộ GTVT đã trình 11 lần và Chính phủ cũng chủ trì nhiều cuộc họp, nhưng nghị định vẫn chưa được ban hành.

Riêng đối với quản lí xe dưới 9 chỗ ngồi có ứng dụng phần mềm điện tử sẽ được quản lí như xe taxi hay hợp đồng vận tải điện tử, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã nhiều lần xin ý kiến, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Tính đến tháng 6, đã có 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử.

Để quản lí chặt chẽ với ô tô kinh doanh vận tải khách dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng với xe taxi, Bộ GTVT đề xuất bổ sung một số quy định.

Cụ thể, xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển. Thời gian hoạt động tại địa phương đăng ký tối thiểu 70%, nhằm kiểm soát tình trạng xe hợp đồng điện tử đăng ký các địa phương nhưng về Hà Nội, TP HCM hoạt động gây ùn tắc.

Đặc biệt, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận chuyển điện tử dưới 9 chỗ ngồi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Quy định này nhằm đảm bảo cân bằng với điều kiện về niên hạn so với xe taxi.

Xe hợp đồng điện tử dán cố định cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định, kích thước tối thiểu là 6 x 20 cm, được làm bằng vật liệu phản quang.

Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời, phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh.

"Việc dán logo phản quang cũng tránh gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm, dẫn đến ùn tắc giao thông) và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải", Bộ GTVT nêu.

Trước đó, trong báo cáo Thủ tướng về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế Nghị định 86 cũ, qua 11 lần trình dự thảo, Bộ Giao thông đều quy định taxi phải có hộp đèn với chữ "taxi" (hay mào) gắn cố định trên nóc xe và quy định về kích thước tối thiểu.

Tuy nhiên, đề xuất bỏ quy định bắt buộc gắn mào với taxi công nghệ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các hiệp hội, doanh nghiệp taxi truyền thống trên cả nước. Cho rằng điều này là bất bình đẳng, có nguy cơ triệt tiêu mô hình kinh doanh truyền thống, các hiệp hội taxi liên tục gửi đơn kêu cứu tới cơ quan quản lý. Hiệp hội taxi Hà Nội còn xin hướng dẫn để các đơn vị thành viên chuyển mô hình kinh doanh từ truyền thống sang công nghệ để được hưởng ưu đãi.

Dự định đeo mào cho xe công nghệ sau đó được gỡ bỏ, thay vào đó, Bộ GTVT đề xuất dán logo phản quang “xe hợp đồng” trên kính trước và kính sau.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm