Bộ GTVT được "chỉ thị" làm đầu mối thực hiện 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa tiếp tục có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đây là lần báo cáo thứ 4 kể từ tháng 9.2021 tới nay.

Khác với các tờ trình trước, thay vì đề xuất giao địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó, Chính phủ đề xuất Bộ GTVT sẽ là đầu mối tổ chức thực hiện dự án, trừ các dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng.

Theo quy hoạch được phê duyệt và các dự án giao thông đang triển khai, phạm vi đầu tư dự án được đề xuất, gồm: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km). Với tổng chiều dài khoảng 729km đi qua 12 tỉnh, thành.

Còn về quy mô tuyến, theo quy hoạch, tuyến cao tốc sẽ có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe và đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m).

Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ tiến hành một lần các dự án theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Riêng hình thức đầu tư, Chính phủ vẫn giữ nguyên đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công. Khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Dự án thành phần có tổng mức đầu tư gần 150.000 tỷ đồng. Bao gồm, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng hơn 95.800 tỷ đồng, chi phí GPMB, tái định cư khoảng hơn 19.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở tiến độ triển khai, giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại hơn 27.300 tỷ đồng chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Được biết, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho dự án khoảng hơn 47.100 tỷ đồng. Số vốn cần bổ sung khoảng gần 72.500 tỷ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Cùng với đó, Chính phủ đặt ra lộ trình thực hiện dự án, gồm: chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và giải phóng mặt bằng tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp, đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến.

Có thể bạn quan tâm