Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 diễn ra ngày 03/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô quý 1 cơ bản được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn.
Mười điểm sáng kinh tế
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 3 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đạt nhiều kết quả tích cực gồm 10 điểm sáng nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản quý 1 tăng 2,52% so với cùng kỳ.
Thứ ba, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án, ngân hàng yếu kém, nhà máy nhiệt điện, giải quyết các vấn đề phát sinh về nguồn cung xăng dầu, trang thiết bị, vật tư y tế, phản ứng chính sách tiền tệ của Mỹ, EU, vướng mắc của hệ thống đăng kiểm…
Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trung và dài hạn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Thứ tư, nước ta đã tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân chuẩn bị và đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, mọi nhà đều có Tết.
Thứ năm, tình hình lao động, việc làm quý 1 phục hồi tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm được tăng cường và kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
Thứ sáu, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Thứ bảy, ngành giáo dục tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 và tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên; chủ động phương án biên chế giáo viên tại các địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Thứ tám, ngành y tế tập trung xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn; tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác. Trong tháng 03, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Thứ chín, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Cuối cùng, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương và đa phương; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thu hút FDI, đã mở cửa lại được thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Mặc dù, kinh tế Việt Nam có được những kết quả nhất định, tuy nhiên do diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Có 2 kịch bản được đưa ra
Từ những kết quả đạt được và khó khăn đang gặp phải trong quý 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình quý 2 và cả năm, có 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị, tăng trưởng các quý 1, 2 và 4 theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%.
Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.
Kịch bản 2 để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý 2 là 6,7%, bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP). Còn quý 3 và quý 4 tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%, cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
Về quan điểm chỉ đạo điều hành quý 2/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quán triệt nghiêm tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm và năm 2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nắm chắc tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phối hợp đồng bộ, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Đối với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Còn chính sách tiền tệ cần chắc chắn, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Chủ động nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân đổ vỡ của các các ngân hàng tại Mỹ, sáp nhập ngân hàng tại Thụy Sỹ, đánh giá tác động tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước ta, từ đó chủ động kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra.
Cùng với đó, vấn đề điều hành giá phải thận trọng, xác định thời điểm, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, tránh giật cục, tác động cộng hưởng đến giá hàng hóa, dịch vụ khác. Ngoài ra, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết, nhất là khi điều chỉnh giá các nhóm hàng giá điện, nước, y tế...
Chính sách về thương mại tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng mặt hàng, từng thị trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chính sách về đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, trọng tâm là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở, trực tiếp đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút FDI.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tham mưu, ban hành và triển các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư…
Với tình hình trong nước và thế giới, các cơ quan nên tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tác động đến nước ta, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Cuối cùng, các bộ, cơ quan và địa phương triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương và của cả nền kinh tế.