Theo báo cáo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trước đó, tốc độ tăng trưởng GDP được ước đạt 7 - 7,5%. Nhưng trên cơ sở GDP quý III là 13,67%, 9 tháng 8,83%, dự kiến mới khả năng GDP cả năm đạt 8%, Thứ trưởng Trần Duy Đông giải thích.
Báo cáo đầy đủ của Bộ KH&ĐT phân tích, đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, (đóng góp 54,17%). Sự phục hồi và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều.
Toàn cảnh phiên họp sáng 30/9 của UBKT Quốc hội
Kết quả nổi bật tiếp theo của năm 2022 được nêu tại báo cáo là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao.
Trước đó Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam đạt 7,2%, ADB dự báo 6,5%, còn Moody đưa ra dự báo GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 8,5%. Như vậy con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra khá sát so với dự báo của các tổ chức quốc tế.
Dựa trên các con số thực tế, Bộ KH&ĐT đã dự kiến kế hoạch năm 2023 có 15 chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là: tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% (Ngân hàng Thế giới ước đạt 6,7%);GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%;Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.