Đối với hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT cho hay, từ năm 1997 đến nay, quy định pháp lý có bốn lần thay đổi lớn về hình thức thanh toán (bằng tiền, quỹ đất, tài sản công, quyền kinh doanh khai thác công trình). Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định nganh giá với giá trị công trình BT.
Thực tiễn triển khai cho thấy, việc thực hiện các dự án BT còn tồn tại, đặc biệt là việc xác định giá trị đất đối ứng còn chưa phản ánh giá trị thị trường. Tại kết luận ngày 28/9/2018, Kiểm toán còn cho rằng, việc xác định giá trị tài sản công (bao gồm quyền sử dụng đất) trong dự án BT theo cơ chế Hội đồng thẩm định giá thẩm định, UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không thông qua đấu giá là chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch khi thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo Bộ KH&ĐT cho biết, một số ý kiến cho rằng “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT”.
Do đó “Đề nghị các cơ quan góp ý nêu quan điểm về nhận định này. Trường hợp không duy trì loại hợp đồng BT, đề nghị cung cấp thêm thông tin và lập luận để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở báo cáo Chính phủ trong quá trình dự thảo luật”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về 2 phương án trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT.
Phương án 1, đấu thầu dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử đụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chậm thanh toán, nhà đầu tư vẫn được tính chi phí lãi vay trong thời gian chậm thanh toán.
Phương án 2, thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT. Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng. Tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, không phải xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp.
Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ ngành liên quan nêu quan điểm về 2 phương án nêu trên hoặc đề xuất phương án khác để tối đa hoá giá trị nguồn lực đất đai nhờ phát triển cơ sở hạ tầng như kinh nghiệm của một số nước để báo cáo các cấp lãnh đạo trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (11/4) thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) các đại biểu đều cho rằng thực hiện các dự án BT là cần thiết trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế. Bản chất của dự án BT là Nhà nước huy động vốn xã hội đầu tư công trình thiết yếu, sau đó đổi trả bằng tài sản, hàng hóa khác.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tư theo hình thức BT vẫn là hình thức cần thiết hiện nay, đó cũng là việc triển khai thực hiện Luật quản lý tài sản công năm 2017.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, giúp Nghị định khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống, đóng góp tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu, Nghị định này phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước.
Yêu cầu hoàn thiện Dự thảo Nghị định ngay trong tháng 4 để trình Thủ tướng xem xem xét, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với thị trường nhưng không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng tiêu cực đối với tài sản công. Cùng với đó là phân cấp, giao quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm để tránh những sai phạm xảy ra.