Theo đó, 4 dự thảo nghị định liên quan đến nghiệp vụ quản lý nợ công; sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ; cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; cho vay lại nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Luật Quản lý nợ công đáp ứng yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt khi Việt Nam đã chuyển thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm dần và kết thúc, thay vào đó là các nguồn vốn vay với điều kiện gần với điều kiện thị trường.
Để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo 6 nghị định. Cụ thể, ngoài 4 nghị định có nội dung nêu trên còn 2 nghị định khác hướng dẫn chi tiết các nội dung về trái phiếu chính phủ và quản lý nợ của chính quyền địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 1 nghị định liên quan tới quản lý vốn ODA, vay ưu đãi.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ban soạn thảo để dự thảo nội dung các Nghị định, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia độc lập trong nước về kinh nghiệm tốt đối với quản lý nợ công.