Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Bộ Tài chính nhận định, giai đoạn vừa qua, luật về thuế, phí, lệ phí đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của đất nước từng thời kỳ cũng như các yêu cầu về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong số đó, đã có nhiều chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao.
Ngoài nội dung trên, Bộ Tài chính cũng không đồng tình với một số đề xuất khác của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến chính sách thuế cho xe điện. Trong đó có dự thảo đề xuất tiếp tục ưu đãi mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ôtô điện sản xuất lắp ráp trong nước loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3%, kể cả sau ngày 28/2/2027.
Theo quy định hiện nay, từ 1/3/2022 đến 28/2/2027, xe điện chạy pin tùy theo chỗ ngồi được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1-3%. Từ đầu tháng 3/2027 trở đi, thuế suất với xe điện sẽ điều chỉnh thành 4-11% trong khi mức thuế này với xe chạy xăng và nhiên liệu hóa thạch là 15-150%.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi ô tô chạy xăng sang xe điện. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện.
Đồng thời, đề xuất hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, lắp ráp tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe ôtô điện. Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 loại xe ô tô điện là xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời sẽ được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển.