Bộ trưởng Công thương nêu 3 lý do thiếu xăng dầu cục bộ phía Nam

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ phía Nam là tình trạng xăng dầu lậu, doanh nghiệp xăng dầu cạn tiền vì chứng khoán và bất động sản và tình trạng không tuân thủ hợp đồng cung ứng xăng dầu.
Bộ trưởng Công thương nêu 3 lý do thiếu xăng dầu cục bộ phía Nam

Trong buổi thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua.

Trong đó, lý giải nguyên nhân tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa chỉ xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng cho rằng có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất là do khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả lên đến hàng trăm triệu lít. Việc xăng dầu lậu, giả nhiều dẫn đến người kinh doanh trong lĩnh vực này không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu và kể cả đến việc đăng ký mua của đơn vị đầu mối hay thương nhân phân phối nào một cách ổn định.

Bộ trưởng Công thương lý giải nguyên nhân thiếu xăng dầu cục bộ tại phía Nam
Bộ trưởng Công thương lý giải nguyên nhân thiếu xăng dầu cục bộ tại phía Nam

Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ hai, doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực họ có nhiều nguồn để lấy, cùng một lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên hợp đồng đã ký nhưng cửa hàng trong thời gian dài không nhập của doanh nghiệp đầu mối nên khi thiếu thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối cấp lại xăng dầu.

Thứ ba, vừa qua, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tham gia đầu tư vào BĐS, chứng khoán nên nguồn tiền cũng bị vơi đi. Đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì không còn tiền và không hấp dẫn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và thương nhân phân phối được ngân hàng cấp cho room tín dụng, nhưng khi giá xăng dầu tăng gấp đôi thì room tín dụng giữ nguyên khiến doanh nghiệp, thương nhân không đủ vốn để nhập hàng.

Về nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng cho rằng nguồn cung không hề thiếu.

Cụ thể, tính đến 30/9/2022, lượng xăng dầu dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không sử dụng) là 1,255 triệu m3. Năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn là 1,3 triệu m3/tháng, bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch phân giao, thời gian tới 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500.000 m3, như vậy đã có hơn 3 triệu m3 ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm