Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bị chất vấn vì Kiểm toán Big 4 không phát hiện bất thường tại ngân hàng SCB

Sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc liên quan đến những sai phạm "bỏ lọt" bất thường tại doanh nghiệp của kiểm toán độc lập, trong đó nêu ví dụ tại ngân hàng SCB...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và các bị 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, số tiền bị rút ruột khỏi SCB lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người đã đặt dấu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong việc thực hiện công việc tại ngân hàng SCB.

Theo đó, giai đoạn 2012 - 2022, 3 công ty kiểm toán hàng đầu là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB. Tuy nhiên, những đơn vị kiểm toán này không phát hiện ra dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.

Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề không ít doanh nghiệp kiểm toán bỏ qua sai sót đối tượng kiểm toán, vì lợi ích riêng của kiểm toán viên từ đó dẫn tới thất thoát Nhà nước, bao che tiêu cực. Do vậy, đại biểu đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp gì để phòng ngừa, răn đe tiêu cực trong kiểm toán tư nhân?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua có một số vấn đề về kiểm toán độc lập có sai phạm trong một số vụ án hình sự. Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán; tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp; không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Về công tác kiểm toán, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc.

"Thường kiểm toán viên chưa năm nào thi đậu vượt trên 30%. Năm cao nhất chỉ đậu 30%. Những chuẩn mực kiểm toán, phương pháp kiểm toán Bộ Tài chính đã chỉ đạo ban hành. Tuy nhiên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt các hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại những bộ hồ sơ xem thử có sai phạm thì sẽ xử phạt và xử lý nghiêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 221 công ty kiểm toán và có khoảng 2.363 kiểm toán viên. So với tỷ lệ của các quốc gia là bé, nhỏ nhưng chú trọng về chất lượng. Bộ sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao đào tạo đạo đức nghề nghiệp, văn hóa, trình độ để thực hiện tốt nghề nghiệp.

Trong phiên chất vấn, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu vấn đề, trong các vụ án sai phạm vừa qua có trách nhiệm thậm chí là tiếp tay của các công ty thẩm định giá trong việc dìm giá hoặc nâng giá.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc nói Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty thẩm định giá mà đại biểu nêu là "chưa hoàn toàn chính xác". Vì công ty thẩm định giá cả nước hiện chỉ có vài trăm công ty.

Về kiểm định viên về giá, Bộ trưởng Phớc cho hay, việc cấp phép được Bộ Tài chính quản lý rất chặt chẽ. "Trong 3 năm vừa rồi, chưa có kỳ nào mà vượt quá 33% số dự thi trúng tuyển. Cho nên, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ trong cấp phép cũng như hoạt động các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá", ông Phớc nhấn mạnh.

Về sai phạm của các thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, ông Phớc cho rằng những sai phạm này thuộc về hành vi của thẩm định viên về giá.

"Chẳng hạn như những vụ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), 3 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới là Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam kiểm toán SCB nhưng đều vi phạm. Rõ ràng cái này là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý", lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng.

Cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính nhắc lại, phải thừa nhận một số văn bản pháp luật vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng.

"Giá đất áp dụng theo phương pháp thặng dư thì quay trở lại thẩm tra bất cứ ai cũng sai hết. Bởi vì giá đất ở đây là giả định suất đầu tư tài sản hình thành trong tương lai. Một cái nhà khi chúng ta lập dự toán để phê duyệt đầu tư mà đến khi thanh tra, kiểm toán vẫn cứ cắt giảm được 5 - 10%, huống gì chúng ta giả định theo suất đầu tư", ông Phớc cho hay.

Từ đó, Bộ trưởng Phớc cho rằng, việc các doanh nghiệp thẩm định giá sai phạm một phần vì quy định pháp luật, một phần vì cán bộ thẩm định giá cố tình làm sai thì xảy ra sai phạm phải xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.

Có thể bạn quan tâm