Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phát hiện tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Qua kiểm tra, Bộ Tài chính cũng phát hiện nhiều vi phạm, có cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Bộ Tài chính đã chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phát hiện tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Sáng 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề lĩnh vực tài chính.

Theo đó, Đại biểu Trần Văn Lâm đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã nêu vấn đề về bong bóng chứng khoán. Cụ thể, đại biểu cho rằng trong thị trường chứng khoán hiện nay, giá trị vốn hóa đã tăng gấp nhiều lần giá trị tài sản khi IPO (phát hành lần đầu ra công chúng), phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, lũng đoạn thị trường tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thị trường.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, những năm vừa qua, thị trường chứng khoán đã phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. 

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Trước tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng các hành vi thao túng vừa qua là hành vi của cá nhân.

"Chúng tôi đã tiến hành cảnh báo cho nhà đầu tư, trình Chính phủ sửa Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp thực hiện minh bạch đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông nêu rõ thị trường trái phiếu là một kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Các quốc gia đã có trên 500 năm thị trường chứng khoán, chúng ta mới 22 năm.

"Vừa qua xảy ra chuyện thao túng. Đó là hành vi cá nhân, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo rồi đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước… Đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu đưa thông tin sai lệch. Những việc này vi phạm trật tự kinh tế, Luật chứng khoán… phải xử lý nghiêm", ông Phớc khẳng định.

Bộ Tài chính đã tiến hành cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153, tăng cường các giải pháp minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đưa trí tuệ nhân tạo vào hệ thống theo dõi các nghiệp vụ liên quan, đồng thời bắt buộc công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu. Bộ cũng dự kiến thiết lập sàn riêng cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để theo dõi.

Cùng với việc hoàn thiện Nghị định 153, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành, đặc biệt là tăng cường kiểm tra những giao dịch bất thường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Thông qua kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã phát hiện nhiều vi phạm, trong đó có tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Các vụ việc này hiện đã được chuyển qua cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Trước đó, Bộ Tài chính đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.

Xem thêm

6 mã chứng khoán bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng

6 mã chứng khoán bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng

Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục ra thông báo tìm các các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các đơn vị có liên quan.

Có thể bạn quan tâm