Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản có nhiều cái khó cần gỡ

Thời gian qua thị trường bất động sản bao trùm trong gam màu xám, nguồn vốn hẹp, thanh khoản thấp, nguồn cung thiếu trầm trọng… bởi thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc cần xử lý…

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực, nhằm đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.

Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản

Theo đó, đại diện Bộ Xây dựng trình bày về tình hình thị trường bất động sản và đề xuất giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở chủ yếu nghiêng về phân khúc nhà ở trung và cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp lại thiếu so với nhu cầu thực.

bất động sản
Sản phẩm nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu (ảnh minh họa)

Hiện nay, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 47,7% so với năm 2021; có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng,bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).

Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Thực tế, lượng giao dịch thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền thành công tăng cao nhất vào quý 2, nhưng sau đó giảm và thấp nhất vào quý 4.

Về giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý 1, quý 2 và quý 3 chững lại, còn quý 4 có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý 4 là gần 800.000 tỷ đồng. Tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là khoảng trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 30%.

Bên cạnh đó, theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 .

Đại diện Bộ xây dựng, ông Sinh cho biết, năm 2022 hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm cho thị trường này trầm lắng.

Các vướng mắc chủ yếu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh qua rà soát cho thấy, các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan đến rất nhiều vấn đề.

Liên quan đến pháp luật về đất đai, khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường", chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.

bất động sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sinh

Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho công nhân, người lao động, có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. 

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức này được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp.

Việc các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí.

Về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… Trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Một số quy định như quy định "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" mới được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Việc xử lý vi phạm một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư …

Thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác; doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản; ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Trước những khó khăn, vướng mắc vướng mắc trên, đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã đưa ra một số giải pháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, giúp thị trường này phục hồi trở lại trên đường đua mới. 

Có thể bạn quan tâm