Bức xúc vì những bất hợp lý ở BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ “tráng men” mặt đường mà thu phí như cao tốc đầu tư mới là sự vô lý không thể chấp nhận được.
Bức xúc vì những bất hợp lý ở BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án BOT, BT của Bộ Giao thông vận tải. Tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong quy trình đấu thầu, thay đổi hồ sơ thiết kế…Đặc biệt, dự án này chia làm 2 giai đoạn, thế nhưng giai đoạn I chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ, vốn đầu tư chiếm 30% của dự án nhưng giá thu phí 1.500 đồng/km, tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới là bất hợp lý.

Được xem là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày Trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại nơi đây. Theo tính toán của các cơ quan quản lý, hiện tại bình quân mỗi ngày ở trạm thu phí này thu được 1,9 tỷ đồng…

Nhìn từ trên cao tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nham nhở vì đang thi công "chắp vá" với tuyến đường hiện hữu
Nhìn từ trên cao tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nham nhở vì đang thi công "chắp vá" với tuyến đường hiện hữu

Ngay từ lúc bắt đầu thu phí đến nay, nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải đã bức xúc bởi sự vô lý khi nhà đầu tư chỉ rải thảm lại mặt đường cũ nhưng lại thu phí đến 1.500 đồng/km, cao tương đương đường cao tốc xây mới.

Anh Phạm Văn Nhất, ở Thanh Châu, TP. Phủ Lý (Hà Nam) thường xuyên đi trên tuyến đường này cho rằng, nếu đi đường cao tốc làm mới đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình phải trả phí 1.500 đồng/km thì có thể chấp nhận được, ở đường Pháp Vân đến Cầu Giẽ này đường cũ từ xưa, chỉ thảm lại mặt, sơn lại hộ lan giải phân cách mà cũng thu 1.500 đồng/km là quá vô lý.

“Chúng tôi cảm thấy vé cầu đường trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ không hợp lý cho lắm vì tuy đường sá có nâng cấp lên nhưng mức phí cao quá, không hợp lý cho các đơn vị làm vận tải. Đường này lẽ ra không thu tiền vì xe đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm rồi…”

Còn anh Võ Duy Phong ở Duy Xuyên, Quảng Nam, chạy xe tải chở hàng Bắc Nam cho biết, giờ QL1 nhiều trạm thu phí quá, cứ một thời gian lại thấy có trạm thu phí BOT mọc lên, thu phí.

“Mình chạy xe tải đường dài, đến trạm hỏi xe mình hết bao nhiêu phí thì móc tiền ra trả chứ biết làm sao được. Nhiều khi bỏ đồng tiền ra đi qua trạm thu phí thấy nó xấu quá thì cũng chỉ biết nói với nhân viên trạm thu phí chứ có nói với ai được. Một năm năm xe tôi đóng cả chục triệu tiền phí bảo trì đường bộ mà đâu có được đi, chỗ nào cũng có trạm BOT…”.

Khi được hỏi những lái xe có kiến nghị gì để giảm bớt các trạm thu phí BOT quá dày đặc trên tuyến QL hiện nay, anh Phong cho rằng: “Cái đó để cho các ban ngành, các đại biểu Quốc hội họ lên tiếng chứ lái xe chúng tôi kêu nhiều, nói mãi mà có ai nghe được đâu”.

Theo tìm hiểu, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 chỉ với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, trên nền đường hiện tại rộng 25 m.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, nếu theo tính toán của các chuyên gia giao thông, với mức thu 1,9 tỉ đồng mỗi ngày thì chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi triển khai thu phí, tức là chỉ trong giai đoạn I thì dự án này đã có thể hoàn vốn. Vì vậy, cần dừng thu phí để kiểm toán lại dự án này một cách minh bạch.

“Anh đầu tư lớn thì đương nhiên anh phải thu hồi lâu, giá phải cao, nhưng anh đầu tư nhỏ, ít thì anh thu hồi phải nhanh chứ không thể lâu được. Người dân đang thắc mắc tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, anh đầu tư lẹt đẹt, thảm lại tí mặt đường, có làm gì đâu. Làm mới hẳn như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, mới hẳn như Cầu Giẽ - Ninh Bình….thì chúng tôi chấp nhận, không thắc mắc gì cả, nhưng ông cơi nới 1 tí thôi rồi rải thảm lên, thu như thế là người ta thắc mắc, nghi ngờ về tính minh bạch”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Tại tuyến đường này, Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra có nhiều vi phạm, trong đó có những bất minh, nhập nhèm trong công tác thu phí
Tại tuyến đường này, Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra có nhiều vi phạm, trong đó có những bất minh, nhập nhèm trong công tác thu phí

Phân tích về nguyên nhân của những bức xúc, các chuyên gia cho rằng không chỉ riêng tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, một số dự án BOT hiện nay đang vướng phải những bất cập là từ những lỗ hổng chính sách tạo ra sự thiếu sự minh bạch.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: chúng ta phải cấm đưa những điều khoản bảo mật vào trong hợp đồng BOT, về nguyên tắc thì hợp đồng BOT là hợp đồng hành chính nhà nước nó không thể giải quyết như hợp đồng dân sự thông thường các bên có thể thỏa thuận bảo mật với nhau mà phải đảm bảo nguyên tắc của quản lý hành chính Nhà nước.

“Nếu như không phải vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia thì phải công khai cho người dân biết, giám sát. Trên nhiều quốc gia cũng có quy đinh về việc cấm những điều khoản bảo mật như vậy trong các hợp đồng BOT và yêu cầu phải tham vấn trước những hợp đồng đối tác công tư đối với ng dân trước khi cơ quan nhà nước đặt bút ký”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Anh Võ Duy Phong ở Duy Xuyên, Quảng Nam cho rằng,tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ “tráng men” mặt đường mà thu phí như cao tốc đầu tư mới là sự vô lý không thể chấp nhận được
Anh Võ Duy Phong ở Duy Xuyên, Quảng Nam cho rằng,tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ “tráng men” mặt đường mà thu phí như cao tốc đầu tư mới là sự vô lý không thể chấp nhận được

Trước sai phạm về thu phí bất hợp lý của dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân về những sai phạm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT, bởi hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành Thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ GTVT và nhà đầu tư./.

Phi Long/VOV.VN

>> TP.HCM nói gì về những sai phạm tại 6 dự án BOT?

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...