Bước đột phá vể hạ tầng: Hàng loạt dự án cao tốc, đại đô thị được khởi công, khánh thành

Ngày 19/4, Việt Nam chứng kiến sự kiện chưa từng có khi hàng loạt dự án tỷ đô cùng khởi công, khánh thành, từ cao tốc đến đại đô thị, tạo thế tăng trưởng bứt phá…

img1590-1745038128989491843730-1.jpg
Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn

Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

NHIỀU DỰ ÁN ĐƯỢC KHỞI CÔNG

Ngày 19/4, UBND TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ khởi công dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Vinhomes Green Paradise). Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, với tổng diện tích 2.870ha; trong đó, hạng mục lấn biển có diện tích hơn 1.357ha.

Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E, quy mô tổng dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt d)u khách mỗi năm. Dự án được định hướng trở thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn.

can-gio-174503570708990074767.jpg
lễ khởi công dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Tại Hải Dương, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Dương, chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025). Dự án nằm gần nút giao đường giữa đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt, thuộc địa phận xã Liên Hồng và phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương.

Aeon Mall Hải Dương, có tổng diện tích 3,6ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.180 tỷ đồng do Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam làm chủ đầu tư; nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Tuấn Kiệt HD.

Ở Ninh Bình, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ khởi công dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Tổng chiều dài tuyến đường là 25,3 km, tốc độ thiết kế 120 km/h, bề rộng nền đường 24,75m gồm (4 làn xe hoàn chỉnh) và các công trình phụ trợ trên tuyến.

Dự án có tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương là 4.865 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2026, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình.

Tại Quảng Bình cũng diễn ra lễ khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới. Dự án được xây dựng trên diện tích 106.308 m2 bao gồm nhà ga hành khách và các hạng mục công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng.

THÔNG 5 TUYẾN CAO TỐC

Trong hôm nay, Bộ Xây dựng tổ chức lễ khánh thành trực tuyến đồng loạt 5 tuyến cao tốc chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Thứ nhất, dự án cao tốc Bắc Nam, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài 35,28 km, điểm đầu tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, kết nối cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Điểm cuối tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, thuộc nút giao Hàm Nghi - Vũng Áng.

Đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Giai đoạn một, cao tốc có 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80-90 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, đường sẽ có 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Thứ hai, cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2 km với tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà kết nối với đường cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và điểm cuối giao với Quốc lộ 12C tại Thị xã Kỳ Anh, nối tiếp với đường cao tốc Vũng Áng - Bùng đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh , Hà Tĩnh.

Thứ ba, dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh có điểm đầu tại Km625+000, khớp nối với điểm cuối dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, thuộc địa phận xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, điểm cuối tại Km674+556, khớp nối với điểm đầu dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

z65209530381120ea0ecac3cb53788b16dae03c89ead28-17450532906851819795170.jpg
Khánh thành dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh

Dự án có tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6, Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư với chiều dài tuyến 48,84 km. Tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế với vận tốc 80 km/h.

Thứ tư, cao tốc Vân Phong – Nha Trang, đi qua thị xã Ninh Hòa và ba huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình có quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 90 km/h, với tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án nối phía Nam hầm Cổ Mã, huyện Vạn Ninh, nằm gần quốc lộ 1, tuyến cao tốc đi qua Khu kinh tế Vân Phong. Điểm cuối cao tốc là nút giao giữa cao tốc Vân Phong - Nha Trang với quốc lộ 27C, cùng là điểm nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã đưa vào khai thác thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.

Thứ năm, cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài toàn tuyến 57,8 km, trong đó đã hoàn thành 18,32 km từ Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo, Nhà Bè, TP.HCM. Hiện tại, đoạn 18,8 km đã hoàn thiện và thông xe ngày 19/4. Với việc đưa vào khai thác 18,32 km sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa ngõ phía Tây đến khu Nam và trung tâm TP.HCM.

Một dự án trọng điểm khác là dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng được khánh thành trong hôm nay. Đây là ga quốc nội lớn nhất nước với công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Ga T3 giúp nâng tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Tại Thái Nguyên cũng diễn ra lễ khánh thành đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn tuyến đi qua thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình. Tuyến đường này có tổng chiều dài 18,11km, quy mô 6 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 1.792 tỷ đồng, đóng vai trò huyết mạch trong việc kết nối Thái Nguyên với các tỉnh trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giảm tải cho Quốc lộ 3, rút ngắn thời gian di chuyển đến Hà Nội và sân bay Nội Bài.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Sắp có tuyến đường 35,5km nối liền Hà Nội và sân bay Gia Bình

Sắp có tuyến đường 35,5km nối liền Hà Nội và sân bay Gia Bình

Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội là 14 km không bao gồm đoạn nhánh kết nối, trong đó: đoạn tuyến xây dựng mới khoảng 7 km; đoạn tiếp theo đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/vành đai 3 khoảng 7 km). Tổng chiều dài toàn tuyến (Bắc Ninh - Hà Nội) khoảng 35,5 km...

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

Mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% của WB thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức của Chính phủ là ít nhất 8% trong năm nay và mức tăng trưởng 7,09% của năm ngoái...

UOB nói gì về mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025?

UOB nói gì về mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025?

Mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt tham vọng tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030 có cơ sở để đạt được, song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là rủi ro từ chính sách thuế quan…