Buôn bán sản phẩm Adidas giả mạo, một hộ kinh doanh bị xử phạt

Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh vì hành vi buôn bán sản phẩm Adidas giả mạo.

Theo Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc, ngoài sản phẩm Adidas giả mạo hộ kinh doanh trên còn buôn bán sản phẩm giả mạo của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, ngày 7/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Hoàng Thị Hằng - httt:/facebook.com/ Hằng Ốc – Chuyên sỉ lẻ thời trang, địa chỉ tại xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Hoàng Thị Hằng đang hoạt động kinh doanh hàng hoá gồm: tất nam nhãn hiệu ADIDAS, tất nam nhãn hiệu NIKE, tất nữ nhãn hiệu GUCCI, chăn nhãn hiệu GUCCI, quần áo trẻ em nhãn hiệu GUCCI, quần dài nhãn hiệu DIOR, chăn nhãn hiệu DIOR, quần áo trẻ em nhãn hiệu DIOR, quần dài nhãn hiệu LOUIS VUITTON...

Tất cả các sản phẩm đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản tạm giữ hành chính số hàng hoá được phát hiện.

Sau quá trình thẩm tra, xác minh ngày 13/12/2022 Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 21/12/2022, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nói trên về hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc xử phạt một hộ kinh doanh vì hành vi buôn bán sản phẩm Adidas giả mạo
Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc xử phạt một hộ kinh doanh vì hành vi buôn bán sản phẩm Adidas giả mạo

Tại tỉnh Thái Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh này vừa ra quyết định khởi tố 2 bị can về hành vi sản xuất, kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, hồi giữa tháng 11 Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với các cán bộ, chiến sĩ Phòng PC03 đồng loạt kiểm tra kho tập kết hàng hóa tại Lô số 05-A7, khu tái định cư, phường Trân Lãm, TP. Thái Bình và 2 xưởng may gia công tại thôn Cao Mại, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương và tại thôn Bát Cấp Đông, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải.

Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số tang vật gồm 10.499 sản phẩm quần áo; 399kg phụ liệu may mặc; trên 4 tấn vải cuộn; 21kg thân áo; 1,5kg tem nhãn rời; 0,6kg cúc áo; 2kg dây khóa kéo có tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng và tạm giữ toàn bộ máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất tại 2 xưởng may.

Tại kho tập kết hàng hóa tại Lô số 05-A7, lực lượng chức năng phát hiện và ngay trong đêm đã tạm giữ trên 8.500 áo khoác gắn nhãn hiệu The North Face và hình, trên 900 chiếc quần gắn nhãn hiệu The North Face và hình, giá trị lô hàng gần 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện gần 400kg phụ liệu may mặc cùng trên 2,5 tấn vải cuộn các loại không có hóa đơn, chứng từ có trị giá gần 110 triệu đồng.

Tại 2 xưởng may gia công, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.000 áo khoác, gần 20 cái quần nối gối, cùng hàng hoạt các vật phẩm như thân trước áo, tem nhãn mác và nguyên liệu để sản xuất quần áo như trên 70 cuộn vải may mặc có trọng lượng trên 1,5 tấn, cúc áo, dây khóa kéo cùng 16kg vật phẩm là thân áo có gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu The North Face và hình. Lô hàng được xác định có tổng trị giá trên 188 triệu đồng.

Lực lượng chức năng xác định toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và kho tập kết hàng hóa cùng 2 xưởng may trên thuộc sở hữu của ông N.V.Đ (địa chỉ lô số 50-A9, khu tái định cư, tổ 22, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình) làm chủ.

Quá trình làm việc, lực lượng chức năng xác định cá nhân trên có các hành vi vi phạm như buôn bán, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, sản xuất vật phẩm mang nhãn hiệu giả mạo.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 24/11/2022 Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc vi phạm và tang vật vi phạm sang Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính hành, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.

Trong khi đó, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Cụ thể, trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) - tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Có thể bạn quan tâm