Kết thúc phiên 10/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích 0,48% lên 39.482,11 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,69% đóng cửa ở mức 5.615,50 điểm và Nasdaq thêm 0,99% thành 18.610,88 điểm.
Trong số 11 chỉ số ngành của S&P 500, có 10 chỉ số tăng, dẫn đầu là công nghệ thông tin tăng 1,24%, tiếp theo là vật liệu tăng 0,97%.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia cũng nhảy vọt 2% lên mức cao kỷ lục sau khi nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) báo cáo doanh thu quý mạnh mẽ.
"Báo cáo của TSMC tiếp tục củng cố cho các kỳ vọng đối với trí tuệ nhân tạo (AI), vì vậy đó là một điểm dữ liệu quan trọng hơn bất kỳ tin tức nào khác trong ngày”, Thomas Martin, Giám đốc quản lý danh mục cấp cao tại Globalt Investments cho biết.
Cổ phiếu của nhà sản xuất chip AI hàng đầu, Nvidia leo 2,3% lên mức cao nhất trong 3 tuần. Micron Technology cũng “phi mã” gần 4%.
Cổ phiếu Apple cũng tăng 1,4% lên mốc đỉnh, nâng giá trị thị trường của “Nhà Táo” lên gần 3,6 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, với chỉ một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn thúc đẩy đà tăng của Phố Wall trong năm nay, nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng bán tháo nếu thu nhập của các công ty đó không đáp ứng được kỳ vọng cao của thị trường. Mùa báo cáo thu nhập quý 2 - chính thức bắt đầu kể từ tuần này với các ngân hàng lớn báo cáo vào thứ Sáu - sẽ kiểm tra xem các tập đoàn lớn được định giá cao có thể tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng ấn tượng hay không.
Nhà sản xuất thiết bị giải trình tự gen Illumina thêm 6,5% sau kế hoạch mua lại công ty tư nhân Fluent BioSciences. Ngược lại, Intuit giảm hơn 3% vì chủ sở hữu TurboTax thông báo kế hoạch sa thải khoảng 10% lực lượng lao động.
Đáng chú ý, đây là phiên thứ năm liên tiếp S&P 500 và Nasdaq lập kỷ lục trong một ngày. Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt qua mốc 5.600 điểm khi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tăng lên sau những bình luận trong tuần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Trong phiên điều trần thứ hai trước Quốc hội, ông Powell cho biết ông chưa sẵn sàng kết luận rằng lạm phát đang giảm bền vững xuống 2%, nhưng vẫn bày tỏ niềm tin rằng khả năng đó sẽ sớm diễn ra.
Theo FedWatch của CME, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9 đã tăng lên 74%.
Các dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thứ Năm và báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ Sáu.
GIÁ DẦU PHỤC HỒI
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã phục hồi vào phiên 10/6 với hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 42 cent, tương đương 0,5%, lên 85,08 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 69 cent, tương đương 0,85%, lên 82,10 USD/thùng.
Giá WTI đã tăng tới 1 USD trong phiên giao dịch sau khi Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng xuống 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/7, vượt xa dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 1,3 triệu thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho biết: "Có vẻ như dữ liệu của EIA đang là động lực chính hiện nay khiến giá tăng cao hơn”.
Cả hai hợp đồng tương lai dầu thô đều giảm trong ba phiên trước đó do có dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng của tiểu bang Texas (Mỹ) không bị ảnh hưởng đáng kể bởi cơn bão Beryl.
Trong khi đó, rủi ro địa chính trị có vẻ như ít có tác động đến giá cả, khi các nhà đầu tư có phần “mệt mỏi” với các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Gaza và cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Tim Snyder, nhà kinh tế học tại Matador Economics nhận xét.
Thị trường cũng đang đặt cược cho việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, điều có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.