Kết thúc phiên 2/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 162,33 điểm (+0,41%) đóng cửa ở mức 39.331,85 điểm, S&P 500 thêm 33,92 điểm (+0,62%) lên 5.509,01 điểm và Nasdaq Composite leo 149,46 điểm (+0,84%) thành 18.028,76 điểm.
Các cổ phiếu Megacap như Apple, Alphabet và Amazon.com đều ghi nhận mức tăng, với Apple dẫn đầu ở mức 1,6%, trong khi đó lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm nhẹ.
Tesla cũng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2024 sau khi nhà sản xuất xe điện báo cáo lượng xe giao hàng trong quý hai giảm ít hơn 5% so với dự kiến.
Paramount Global leo 5,7% nhờ tin tức tin tập đoàn IAC của tỷ phú Barry Diller đang tìm cách giành quyền kiểm soát công ty truyền thông.
Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia giảm 1,3%, còn xu hướng ở các cổ phiếu chip khác phần lớn là trái chiều. Nvidia đã tăng hơn 147% kể từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu Novo Nordisk niêm yết tại Mỹ đã giảm gần 1,7%, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders kêu gọi nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch giảm giá thuốc Ozempic và Wegovy. Đối thủ Eli Lilly cũng trượt dốc.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang có các ý kiến trái ngược nhau về tính bền vững của đợt phục hồi thị trường, trong đó chỉ số S&P 500 đã tăng 14,75% trong nửa đầu năm.
John Lynch, Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management bày tỏ lo ngại về khả năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Ông dự đoán S&P 500 có thể tăng thêm 10% nữa đến cuối năm, đẩy chỉ số lên mức cao. Ông Lynch cho rằng mức tăng đó khó có thể được hỗ trợ bởi tình hình lợi nhuận thực tế của các công ty niêm yết. Nói cách khác, thị trường có thể đang được định giá quá cao so với lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,89 tỷ cổ phiếu, thấp so với mức trung bình 11,8 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua. Khối lượng giao dịch dự kiến sẽ thấp trong suốt cả tuần, khi thị trường chứng khoán đóng cửa sớm vào 3/7 và đóng cửa cả ngày 4/7 để nghỉ lễ Quốc Khánh Mỹ.
Về khía cạnh kinh tế, một cuộc khảo sát mới đây về cơ hội việc làm và luân chuyển lao động Mỹ (JOLTS) cho thấy cơ hội việc làm đã tăng lên trong tháng 5 sau khi ghi nhận mức giảm lớn trong hai tháng trước đó, nhưng tình trạng sa thải cũng gia tăng trong bối cảnh hoạt động kinh tế chậm lại.
Đây là dữ liệu đầu tiên trong loạt báo cáo việc làm của Mỹ trong tuần này. Đặc biệt, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 sắp được công bố, sẽ là rất quan trọng trong việc đánh giá xem liệu thị trường lao động Mỹ có còn kiên cường trong bối cảnh lãi suất đang ở mức cao như hiện nay.
Trong một hội nghị quốc tế gần đây, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nói rằng dữ liệu kinh tế đang thể hiện các tiến bộ đáng kể, tuy nhiên Fed vẫn cần phải xem xét nhiều hơn trước khi thay đổi chính sách.
GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu trượt giảm vào 2/7 khi các lo ngại về cơn bão Beryl đã được xoa dịu bớt.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 36 cent, tương đương 0,42%, ở mức 86,24 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 82,81 USD / thùng, giảm 57 cent, tương đương 0,68%.
Trước đó, giá dầu WTI đã tăng thêm 1 USD lên 84,38 USD/thùng do lo ngại cơn bão Beryl có thể tác động rộng hơn đến các khu vực sản xuất dầu ngoài khơi ở phía bắc Vịnh Mexico do Mỹ quản lý. Cả hai chỉ số đều tăng khoảng 2% trong phiên 1/7.
Nhưng sau khi một số dự báo mới được công bố, các nhà giao dịch đã bớt lo ngại hơn về vấn đề nguồn cung, theo ông Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group cho biết.
“Thị trường nhận ra rằng cơn bão Beryl sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến bất kỳ hoạt động sản xuất nào. Có thể có một số gián đoạn, nhưng tác động đến các giàn khoan sẽ rất nhỏ”, ông Phil Flynn chỉ ra.
Bão Beryl là cơn bão cấp 4 nguy hiểm xé toạc vùng biển Caribe. Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, dự kiến nó sẽ suy yếu thành bão nhiệt đới khi đi vào Vịnh Mexico vào cuối tuần này.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu