Kết thúc phiên 27/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 36,53 điểm (+0,09%) lên 39.164,33 điểm, S&P 500 nhích 5,16 điểm (+0,09%) thành 5.483,06 điểm và Nasdaq Composite leo 53,53 điểm (+0,30%) lên 17.858,68 điểm.
Các cổ phiếu Megacap, chẳng hạn như Alphabet và Meta Platforms vẫn duy trì tâm thế lạc quan, tăng 0,83% và 1,25%. Amazon cũng “tiến bước” thêm 2,19% sau khi vượt mốc 2 nghìn tỷ USD vào thứ Tư.
Trong khi đó, Micron lại giảm 7,11% do dự báo doanh thu quý 4 thực tế khiến các nhà đầu tư thất vọng. Nvidia cũng mất khoảng 1,90%, tiếp tục đối mặt với chặng đường đầy biến động gần đây.
Walgreens Boots Alliance trượt dốc 22,16%, cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2024 và công bố kế hoạch đóng cửa thêm các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả ở Mỹ.
Cổ phiếu nhà sản xuất thời trang denim Levi Strauss giảm 15,4% sau khi không đạt được kỳ vọng về doanh thu quý hai.
Những người tham gia thị trường đã nêu bật mối lo ngại về tính bền vững của đợt phục hồi vừa qua và kêu gọi sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng ngừa những khoản lỗ lớn có thể xảy ra.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,49 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,74 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
“Thị trường đang ở trong trạng thái chờ đợi dữ liệu PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vì không có nhiều chất xúc tác lớn”, Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, cho biết.
Trong ngày, dữ liệu kinh tế cho thấy các đơn đặt hàng mới đối với hàng hoá vốn chủ chốt do Mỹ sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 5, trong khi các đơn đặt hàng hoá lâu bền cốt lõi giảm 0,1% so với dự báo tăng 0,2%, khiến các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế suy yếu có thể buộc Fed phải cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cũng giảm xuống còn 233.000, thấp hơn kỳ vọng 236.000 đơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 và 2 năm, vốn di chuyển ngược chiều với giá, đã đi xuống sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục chậm lại nhưng ở mức độ vừa phải, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm giảm nhẹ sau phiên đấu giá 44 tỷ USD.
Theo công cụ FedWatch của LSEG, hiện tại các nhà đầu tư phần lớn vẫn giữ vững quan điểm về hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, mặc dù Fed chỉ dự kiến một lần.
Trong một bài tiểu luận về chính sách, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết lạm phát dường như đang thu hẹp và điều đó sẽ cho phép cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, trong khi thống đốc Michelle Bowman nhắc lại rằng bà vẫn chưa sẵn sàng hỗ trợ việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi áp lực lạm phát vẫn còn cao.
“Điều mà thị trường mong đợi trong tuần này là một bằng chứng quan trọng để đánh giá hướng đi của lạm phát”, Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management lưu ý.
GIÁ DẦU TĂNG CAO
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào phiên 17/6 do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu khi áp lực địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu gia tăng. Ngoài ra, tồn kho dầu thô và xăng của cũng Mỹ bất ngờ tăng khiến giá biến động.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,14 USD, tương đương 1,34%, lên 86,39 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 84 cent, tương đương 1,04%, ở mức 81,74 USD/thùng. Trước đó vào đầu phiên, WTI đã tăng hơn 1 USD/thùng.
Căng thẳng xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah đang ngày càng leo thang, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột mở rộng có thể lôi kéo các quốc gia khác tham gia, bao gồm cả nhà sản xuất dầu mỏ lớn Iran.
Trong phiên, cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho dầu thô tăng 3,6 triệu thùng hàng tuần, trái với dự đoán giảm 2,9 triệu thùng từ các nhà phân tích của Reuters.
Dự trữ xăng của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng, cũng ngược với dự đoán về mức giảm 1 triệu thùng trước đó.
Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics cho biết: “Nước Mỹ hiện đang ở giai đoạn cao điểm của mùa lái xe, nhất là sắp đến kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7, do đó, chúng ta có thể chứng kiến sự sụt giảm về giá sau kỳ lễ”.