Trao đổi với báo chí đại diện Vietnam Airlines cho biết: "Nhìn vào báo cáo tài chính thì không có ông nào có lãi về vận tải hàng không. Nếu kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần thì cả năm nay không một hãng hàng không nào của Việt Nam có lãi. Vietnam Airlines ngoài vận tải hàng không thì không kinh doanh gì. Cổ đông lớn nhất là Nhà nước thì cũng không có giải pháp gì ngoài hỗ trợ vay ưu đãi và phát hành thêm cổ phiếu”.
Còn các hãng khác có nhiều khoản bù đắp cho vận tải như thu nhập từ hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư. Trong thu nhập từ hoạt động tài chính lại có con số từ hoạt động tài chính khác rất to mà không rõ là từ cái gì. Hoạt động đầu tư cũng có con số từ hoạt động đầu tư khác rất lớn để bù đắp cho vận tải hàng không.
Vị đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm: có thể có thời điểm vận tải hàng không có lãi nhưng cả năm thì không có hãng nào của Việt Nam có lãi từ kinh doanh vận tải. Vừa rồi có hãng công bố lỗ 2.800 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng là con số phù hợp.
Tuy hàng không nội địa khởi sắc nhưng thị trường hàng không quốc tế chưa phục hồi, đội bay chỉ khai thác 75% cộng thêm lỗ lũy kế các năm trước khiến hãng này chưa thoát lỗ.
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn từ: chiến sự Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu; giá nhiên liệu bay Jet A1 vẫn ở mức cao, bình quân 130 USD/thùng so với mức bình quân 74 USD/thùng vào năm 2019. Do chi phí nhiên liệu chiếm trên 39% nên nhiên liệu tăng 1 USD, Vietnam Airlines tăng thêm chi phí 145-150 tỉ đồng/năm.
Tám tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã giảm lỗ được 1.440 tỉ đồng nhưng tới cuối năm vẫn còn các khó khăn nêu trên nên Vietnam Airlines tiếp tục dự kiến lỗ cả năm 2022 gần bằng số lỗ kế hoạch mà cổ đông thông qua là 9.335 tỉ đồng. "Chúng tôi coi con số này là mức trần nhưng chắc chắn sẽ giảm tốt hơn so với con số trên" - đại diện Vietnam Airlines cho biết.