Ngày 19/7, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (từ trạm cập bờ Vũng Tàu ra trục quốc tế) gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối quốc tế trên tuyến cáp này. Đến ngày 20/8 đã sửa chữa xong điểm đứt này.
Tuy nhiên, vào ngày 11/8, tại phân đoạn S1B (từ Hongkong đi Singapore) lại phát sinh thêm lỗi nên chỉ khôi phục lại được dung lượng AAG đi Hongkong, dung lượng AAG Việt Nam-Singapore vẫn tiếp tục bị mất.
Đến ngày 4/9, tuyến cáp AAE-1 lại xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (đoạn trục giữa Cambodia và Thailand) gây gián đoạn dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và Châu Âu trên tuyến cáp này.
Nguyên nhân sơ bộ được cho là do lỗi dò nguồn trên tại 2 điểm khác nhau trên phân đoạn S1H (sự cố trước trên đoạn nhánh Cambodia vào ngày 26/8).
Dự kiến, việc sửa chữa cáp quang AAG có thể kéo dài đến 26/9. Mặc dù các các nhà mạng hiện đã có nhiều phương án kịp thời xử lý để đảm bảo chất lượng Internet cho khách hàng như định tuyến lại, tối ưu lưu lượng các tuyến cáp biển khác như TGN-IA, APG. Tuy nhiên việc 2 tuyến cáp quang biển quan trọng gặp sự cố cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến các hoạt động như học tập, làm việc online. Việc truy cập các ứng dụng như Gmail, YouTube, Facebook cũng có thể gặp khó khăn trong giai đoạn này.
Được biết, cáp quang AAG có tổng chiều dài 20.191 km, được khai thức từ 11/2009, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, đi qua 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Tuyến cáp quang biển AAE-1 có chiều dài 23.000 km, mới được đưa vào khai thác tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong và Singapore.