Các "ông lớn" bán lẻ đua báo lãi khủng

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ…

22222222222-2541-9193.jpeg

Theo số liệu vừa công bố từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước,

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%.

Những con số tăng trưởng ấn tượng này cho thấy sức mua của người tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ, tạo động lực tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

ĐUA NHAU BÁO LÃI

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 34.134 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ, đưa doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 16% lên mức 65.620 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu, Điện máy Xanh vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất 46,9%, tiếp đến là Bách hóa Xanh chiếm 29,7% và Thế giới Di động đóng góp 20,6% doanh thu toàn hệ thống.

Tính riêng tháng 6, tổng doanh thu chuỗi Thế giới Di Động và Điện máy Xanh đạt 7.300 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước đó do đã qua mùa cao điểm máy lạnh. Trong khi đó, hầu hết ngành hàng khác ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là điện thoại và tivi nhờ hưởng lợi từ sự kiện Euro 2024.

Còn với Bách hoá Xanh, doanh thu tháng 6/2024 đạt 3.600 tỷ đồng, tương ứng doanh thu bình quân tháng 6 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.

Sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài báo lãi ròng 1.172 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng gấp 67,3 lần so với quý 2/2023. Qua đó đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên mức 2.074 tỷ đồng, gấp 53,6 lần cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và 86% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 2 vừa qua là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã chứng khoán: FRT), với 9.239 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng cải thiện lên mức 48,4 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 214,7 tỷ đồng của quý 2/2023, qua đó đánh dấu mức lãi cao nhất trong 6 quý gần đây.

Kết thúc nửa đầu năm 2024, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.281 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế đạt 109,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 212,6 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng chính của FPT Retail khi ghi nhận doanh thu tăng 67% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn công ty.

Bên cạnh đó, doanh thu của FPT Shop đạt 6.923 tỷ đồng, chiếm 37% doanh thu toàn công ty. Trong quý 2/2024, FPT Shop đã thực hiện xong việc tối ưu hệ thống thông qua việc đóng khoảng 100 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và đã ghi nhận toàn bộ chi phí đóng cửa trong quý 2. Tuy nhiên, doanh thu quý 2/2024 chỉ giảm 7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 21% của quý 1/2024.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld – mã chứng khoán: DGW) cũng có kết quả kinh doanh quý 2/2024 đầy khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên mức 89,3 tỷ đồng.

Điểm mấu chốt giúp lợi nhuận của Digiworld tăng trưởng đến từ doanh thu thuần được cải thiện 9% so với cùng kỳ, đạt 5.008 tỷ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là máy tính xách tay tăng trưởng 20% do chu kỳ thay mới sản phẩm cũng như sự ra mắt của một loạt laptop tích hợp AI.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Digiworld bỏ túi 9,993 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 182 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so với nửa đầu năm trước.

Năm 2024, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng và lãi ròng 490 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-3-199.png

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.134 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước nhờ kết quả kinh doanh khả quan ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.

Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 120% lên mức 946 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng vọt lên mức 503 tỷ đồng, tăng 378,6% và cao hơn con số 419 tỷ đồng của cả năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Masan thu về 38.989 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 64%, đạt 1.425 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 607 tỷ đồng, tương ứng tăng 90%.

Ở lĩnh vực trang sức, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) “bỏ túi” hơn 9.519 tỷ đồng doanh thu thuần và 429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2, lần lượt tăng 43% và 27% so với quý cùng kỳ năm ngoái.

Sau 2 quý đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 22.113 tỷ đồng, tăng hơn 34,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7,4%, lên mức 1.167 tỷ đồng.

Kết quả trên có được nhờ sự tăng trưởng đồng bộ ở tất cả các kênh. Trong đó, doanh thu bán lẻ trong trong 6 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ, đóng góp 49,5% tổng doanh thu.

Bên cạnh mảng trang sức bán lẻ, các mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, mảng trang sức bán sỉ và mảng vàng 24K trong nửa đầu năm lần lượt tăng 20% và 80,8% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận khả quan nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình 6 tháng đầu năm 2024 của PNJ chỉ đạt 16,4%, giảm so với mức 18,9% cùng kỳ năm trước do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.

Trong đó, mảng vàng 24K vốn có biên lợi nhuận không cao đã đóng góp tới 41,5% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 30,7% của cùng kỳ năm 2023.

TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI NHƯNG CHƯA THỂ QUAY LẠI MỨC
TĂNG TRƯỞNG CAO

Triển vọng của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2024 được đánh giá khá lạc quan, tuy nhiên tốc độ phục hồi sẽ chậm, dựa trên những tín hiệu tích cực từ cả yếu tố vĩ mô và chính sách. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngành bán lẻ sẽ tiếp tục hồi phục sau những khó khăn của năm trước, dựa trên những nhận định sau:

Trước tiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi của các thị trường chính mà Việt Nam xuất khẩu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ.

anh-chup-man-hinh-2024-08-01-luc-131606-334.png

Một yếu tố quan trọng khác cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ là kỳ vọng nhiều Ngân hàng Trung ương lớn sẽ hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024. Việc này có thể tạo ra tác động tích cực đến tiêu dùng, khi chi phí vay vốn giảm sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Tuy nhiên, KBSV nhấn mạnh, lạm phát dai dẳng vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, khiến cho lộ trình giảm lãi suất gặp nhiều thách thức và có thể làm chậm quá trình hồi phục của sức mua tiêu dùng so với dự kiến.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như tăng lương cơ sở và tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tâm lý tiêu dùng. Khi nền kinh tế dần hồi phục, người dân có xu hướng lạc quan hơn về tương lai tài chính của mình, từ đó sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, giúp kích thích thị trường bán lẻ phát triển.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ngành bán lẻ Việt Nam đang cho thấy nhiều triển vọng trong tương lai thu hút dòng tiền lớn, khi nửa đầu năm 2024 liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước. Điển hình như thương vụ Bain Capital đầu tư vào Masan, CDH Investments đầu tư vào Thế giới Di động.

Song song với đó, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như Uniqlo, Muji, Starbucks. Thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như: Masan IPO The CrownX, FPT Retail IPO Long Châu.

Ngành hàng bán lẻ ICT được nhóm chuyên gia KBSV đánh giá có nhiều kỳ vọng để tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024, với những động lực chính như chu kỳ thay thế điện thoại và laptop, cũng như việc dừng phát sóng 2G, 3G. Những yếu tố này có thể thúc đẩy nhu cầu nâng cấp thiết bị của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do thị trường đã khá bão hòa và cạnh tranh gay gắt, nhiều chuỗi bán lẻ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng một chữ số trong năm nay, phản ánh sự thận trọng trước những thách thức đang tồn tại.

Đối với MWG (bao gồm 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, kết quả kinh doanh hồi phục mạnh mẽ nửa đầu năm 2024 dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm khi sức mua phục hồi, ngành ICT được hưởng lợi từ các yếu tố đã nêu bên trên, cùng với đó ngành hàng điện tử tiêu dùng (CE) cũng được hưởng lợi khi năm nay mùa hè đến sớm và khắc nghiệt hơn giúp doanh số máy lạnh tăng mạnh.

Đối với FRT, chuỗi FPT Shop hiện đang chậm chân trong quá trình phục hồi của ngành khi vấp phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ khác, chuỗi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu âm và báo lỗ trong quý 1. Tuy nhiên kết quả kinh doanh kém tích cực của FPT Shop không ảnh hưởng nhiều tới triển vọng của FRT khi hiện tại FPT Long Châu mới là động lực tăng trưởng chính.

Đối với DGW, mặc dù không phải doanh nghiệp bán lẻ nhưng vì là nhà phân phối trực tiếp tới các nhà bán lẻ, công ty này cũng được hưởng lợi khi ngành bán lẻ hồi phục trong thời gian tới.

Ngoài hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành ICT, Digiworld cũng liên tục mở rộng các ngành hàng khác như thiết bị văn phòng, gia dụng, FMCG để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành ICT.

Đối với ngành hàng bán lẻ tạp hoá, KBSV cho rằng nhóm ngành này ít biến động hơn với sức mua của thị trường, và các chuỗi bán lẻ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Do đó, các chuỗi sẽ ngày càng chiếm thị phần của cửa hàng truyền thống với những lợi thế về chất lượng, dịch vụ.

Nhóm bán lẻ dược phẩm với chuỗi Long Châu của FRT tiếp tục dẫn đầu thị trường và liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần, trong khi các đối thủ còn lại là An Khang (MWG) và Pharmacity vẫn đang loay hoay tìm điểm hoà vốn.

Nhóm chuyên gia KBSV cho rằng, xu hướng trong tương lai các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ lợi thế quy mô, dịch vụ, chất lượng sản phẩm đảm bảo.

Trong khi đó, ngành hàng bán lẻ trang sức được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ những quyết tâm hạ nhiệt thị trường vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ giúp giá vàng giảm và ổn định trong thời gian tới, từ đó tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trang sức như PNJ khởi sắc hơn.

anh-chup-man-hinh-2024-08-01-luc-131658-9136.png

Về định giá cổ phiếu, KBSV nhận định nhiều công ty đã vượt hoặc đang tiệm cận P/S trung bình 5 năm, phản ánh những kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ. "Chúng tôi cho rằng câu chuyện kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ sẽ còn kéo dài đến năm 2025 nên vẫn sẽ có thể mở mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh chung của toàn thị trường", KBSV khuyến nghị.

Tuy nhiên, mỗi công ty lại có những câu chuyện kỳ vọng riêng, do đó nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao để đưa ra quyết định đầu tư.

Xem thêm

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Sau thời gian gặp khó khăn, ngành thép đang phục hồi mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, mở ra triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong các quý còn lại của năm 2024…

Ngành điện vẫn chìm trong “bóng tối”

Ngành điện vẫn chìm trong “bóng tối”

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Trong đó, phần lớn các công ty đều phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận. Điều này phản ánh rõ những thách thức và khó khăn mà ngành điện đang phải đương đầu…

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...