Các quỹ ETF ngoại sẽ giao dịch như thế nào trong kỳ tái cơ cấu Quý III/2020?

Hai nhóm chỉ số của FTSE và MVIS sẽ cần hoàn thành cơ cấu danh mục vào ngày 18/9. Các chỉ số của MSCI sẽ phải cơ cấu vào ngày 31/8 để danh mục mới có hiệu lực từ đầu tháng 9.
Các quỹ ETF ngoại sẽ giao dịch như thế nào trong kỳ tái cơ cấu Quý III/2020?

SSI Research vừa đưa ra ước tính sơ bộ cho kỳ thay đổi danh mục ETF Quý III/2020. Theo đó, đối với quỹ FTSE Vietnam Index, cổ phiếu PVD có thể bị loại do giá trị vốn hóa tự do thấp hơn yêu cầu. Trong khi đó, cổ phiếu GEX có thể được thêm vào do cổ phiếu này đã đủ điều kiện vốn hóa và thanh khoản để quay lại bộ chỉ số sau khi bị loại ra trong kỳ Quý IV/2019, tỷ trọng ước tính là 1,28%.

Với dự báo này, danh mục chỉ số mới sẽ bao gồm 17 cổ phiếu với tỷ trọng mỗi cổ phiếu tối đa là 15%.

Đối với quỹ MVIS Vietnam Index, SSI dự báo, cổ phiếu nước ngoài JAK MK có thể bị loại ra do giá trị vốn hóa tự do thấp hơn mức yêu cầu. Cổ phiếu SHB có thể được lựa chọn để thay thế nhằm duy trì đủ số lượng 25 cổ phiếu thành phần.

Cổ phiếu SHB đã có diễn biến tích cực trong 3 tháng qua so với mức biến động của thị trường chung, đây là cổ phiếu lớn nhất trong các cổ phiếu đủ điều kiện nên có nhiều khả năng được lựa chọn trong trường hợp JAK MK bị loại. Nếu được thêm vào, tỷ trọng ước tính của SHB là 2,9%.

Quỹ MSCI Frontier Markets Index, các chỉ số của MSCI đã được công bố kết quả vào ngày 12/8 và không có thay đổi nào về thành phần. Do đó, các ETF liên quan sẽ tái cơ cấu danh mục theo hướng cân bằng lại tỷ trọng cổ phiếu. Dự kiến ngày giao dịch là 31/8.

Có nên "đón sóng"?

Đã thành tiền lệ, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong nước và thường có tác động lớn đến thị trường ở khía cạnh cung cầu và biến động giá của cổ phiếu đó.

Chẳng hạn, khi một mã được thêm vào thì lực cầu đối với mã này sẽ tăng và ngược lại, khi một mã bị loại ra thì lực cung sẽ tăng do hoạt động mua vào bán ra của quỹ ngoại từ đó có tác động đến giá cổ phiếu.

Được đánh giá là một cơ hội "lướt sóng" tốt nhưng những kỳ tái cơ cấu danh mục này cũng mang lại rủi ro bởi đã có không ít trường hợp "vỡ mộng" vì sự điều chỉnh bất ngờ của hai quỹ này.

Còn nhớ, tại kỳ đảo danh mục quý I/2017, quỹ VNM ETF đã khiến giới đầu tư phải bất ngờ khi thêm vào cổ phiếu NVL – một cổ phiếu chưa đủ thời gian niêm yết tại thời điểm đó với 7% danh mục, tương đương 20 triệu USD.

Động thái này của VNM ETF đã làm đảo lộn hết các dự báo của giới chuyên gia và một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư chơi theo chiến lược đón đầu quỹ ETF xoay sở không kịp.

Thậm chí, đã từng có trường hợp quỹ ETF thay đổi cơ cấu danh mục ngay phút thứ 89 như cổ phiếu BID (BIDV) tại kỳ cơ cấu danh mục quý III/2015.

Cụ thể, theo thông báo ban đầu, VNM ETF sẽ đưa BID vào rổ chỉ số, nhưng vài ngày sau lại điều chỉnh giữ nguyên và khiến các nhà đầu tư "ngã ngửa" khi bất ngờ tuyên bố loại khỏi danh mục.

Tất nhiên, những nhà đầu tư "đón sóng" này đã thiệt hại đáng kể dù đã nghiên cứu rất kỹ về hoạt động mua bán của quỹ này. Rút ra bài học sâu sắc, trong những kỳ cơ cấu danh mục gần đây, nhà đầu tư thường có xu hướng chờ đợi kết quả rõ ràng hơn trước khi ra quyết định.

Hơn nữa, áp lực đảo danh mục của hai quỹ với động thái bán ra ở nhiều bluechip đã không còn khiến giới đầu tư cũng như chuyên gia quá lo ngại do những ảnh hưởng từ hoạt động này chỉ mang tính nhất thời.

Cũng có ý kiến cho rằng đây còn là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Thực tế, quyết định có đầu tư hay không là của nhà đầu tư, nhưng cần phải nhắc lại rằng một cổ phiếu được đưa vào hay loại ra đó không hoàn toàn xuất phát từ việc cổ phiếu đó có yếu tố cơ bản tốt hay xấu mà là có đáp ứng được tiêu chí của quỹ hay không?

Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu vẫn rất cần đánh giá xu hướng thị trường và triển vọng của cổ phiếu, chứ không chỉ mua/bán theo danh mục của các quỹ ETF.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm