Đầu tư farmstay đầy rủi ro đã được chính quyền và chuyên gia báo trước, nhưng nhiều người vẫn bất chấp cảnh báo, xuống tiền đầu tư để rồi chuốc “trái đắng” như ở dự án Onsen Villas & Resort.
Không có dự án Onsen
Hồi tháng 8 vừa qua, báo chí đã thông tin liên tiếp về việc người dân mua dự án có tên “Ohara Villas & Resort” đã đổi tên thành Onsen Villas & Resort do CTCP Đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) làm chủ đầu tư tại xã Mông Hoá, TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm trôi qua, tiền người dân đã đóng đủ nhưng chỉ nhận lại là “lời hứa” gió bay. Không ít người đã yêu cầu Công ty Việt Nhật hoàn trả lại tiền vì vi phạm hợp đồng. Công ty này đã hoàn trả lại tiền cho một số khách hàng từ 200 đến 300 triệu đồng/hợp đồng.
Trao đổi với Thương Gia, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản Lý nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hoà Bình cho biết, thực hiện văn bản số 3005/VPUBND-TH ngày 15/5/2020 của UBND tỉnh Hoà Bình về việc làm rõ các thông tin liên quan đến dự án “Ohara Villas & Resort”. Qua công tác nắm tình hình và thông tin phản ánh từ báo chí về việc Công ty Việt Nhật, Sở Xây dựng xem xét hồ sơ, các loại giấy tờ liên quan (57 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 9 giấy uỷ quyền) do công ty cung cấp và kiểm tra tình hình xây dựng thực tế tại xã Gò Bùi, xã Mông Hoá, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.
Theo ông Đoàn Tiến Lập, kết quả điều tra cho thấy, hiện trạng có 37 ngôi nhà xây 1 tầng, diện tích mỗi ngôi nhà khoảng 50m2, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, trong đó có 8 nhà đã hoàn thiện, 29 nhà đang xây dựng. Các công trình được xây dựng trên đất của các hộ gia đình và cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Công ty Việt Nhật thiết kế, xây dựng và vận hành theo sự uỷ quyền của các hộ dân có đất (văn bản số 200 ngày 20/4/2020 của Công ty Việt Nhật). Khu vực này gồm có đất nông thôn và đất trồng cây lâu năm.
Ông Lập khẳng định, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Mông Hoá, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình không có dự án nào là “Onsen Villas & Resort” được phép triển khai thực hiện. Do đó, một số website quảng cáo về dự án Onsen Villas & Resort là không đúng sự thật.
Trao đổi với báo chí, ông ông Nguyễn Xuân Phục, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa cũng khẳng định, trên địa bàn không có bất kỳ dự án nào là Onsen Villas & Resort hay Ohara Villas & Resort. Vị Chủ tịch xã cũng xác nhận, khu đất quảng cáo là dự án Onsen Villas & Resort chính là vị trí trước đó có thông tin quảng cáo dự án Ohara Villas & Resort.
Mới đây, UBND tỉnh Hoà Bình ban hành văn bản số 8705/VPUBND-TH chỉ đạo Công an tỉnh Hoà Bình chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra nội dung trên, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu có) theo thẩm quyền; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Văn phòng UBND tỉnh thông báo để Giám đốc Công an tỉnh biết, thực hiện.
Cẩn trọng ngậm “trái đắng”
Theo các chuyên gia, tiềm năng BĐS mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với trang trại rất lớn. Tuy nhiên, cũng như condotel, pháp lý cho loại hình này chưa có do nó mới xuất hiện. Chính vì lẽ đó, nhiều farmstay tại các vùng ven đô phát triển không có quy hoạch, xây dựng sai phép, gây rủi ro lớn cho khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cảnh báo, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay, mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cần phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Đặc biệt, cần phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép các lô farmstay cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Cảnh báo về tình trạng này, theo Luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc xuất hiện các farmstay thời gian gần đây thường ở ven đô các thành phố lớn. Đất được một số công ty mua gom của người dân, sau đó công ty tự vẽ ra dự án để bán kiếm lời. Việc làm này là vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch.
Để ngăn chặn dự án farmstay “ma” xảy ra, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cơ quan nhà nước cần phải tiến hành thanh kiểm tra dự án xây dựng trên đất ở, trên phần diện tích đất rừng hay đất có mục đích sử dụng khác. Khi phát hiện sai phạm lập tức xử lý theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS trái pháp luật.
Đối với các người dân mua những dự án này, bản chất do bị lừa dối nên người dân đều có thể yêu cầu chủ đầu tư trả lại 100 % số tiền đã nộp, ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự do vi phạm hợp đồng gây ra.
“Người dân cần phải tỉnh táo sáng suốt tham khảo thông tin từ chính quyền địa phương cũng như tư vấn của chuyên gia trước khi đặt bút ký kết mua bán BĐS dạng này”, Luật sư Tú nhấn mạnh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho rằng, hiện nay, mô hình này đang nở rộ với nhiều hình thức mới nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Do đó, cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.