Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu hơn 2 tỷ đồng/ngày

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, rộng 16m, 4 làn xe, hoạt động từ cuối tháng 4 và chính thức thu phí từ ngày 9/8/2022. Trung bình mỗi ngày có khoảng 17.900 lượt xe lưu thông, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng…
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu hơn 2 tỷ đồng/ngày
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đón khoảng 18.000 lượt xe/ngày

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Đầu tư Cầu đường CII (mã chứng khoán: LGC), kể từ khi được Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng và chính thức thu phí từ ngày 9/8/2022 đến 31/12/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đón khoảng 2,6 triệu lượt xe, đạt trung bình khoảng gần 17.900 lượt/ngày.

Tổng doanh thu trong thời gian này đạt gần 299 tỷ đồng, tương ứng mức trung bình hơn 2 tỷ đồng/ngày. LGC cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình/ngày theo các tháng liền kề khoảng 5%.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km, nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm cuối là nút giao An Thái Trung.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) với tổng vổn 12.668 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư) thu xếp.

Hồi giữa tháng 11/2022, Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII đã thông báo tạm dừng chuyển nhượng toàn bộ 77,14 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 50% phần vốn góp của Công ty tại Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.

Đồng thời, công ty đã chấp thuận việc nhận chuyển nhượng toàn bộ 61,7 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 40% phần vốn góp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc tại BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để nâng tỷ lệ sở hữu lên 90% vốn điều lệ của công ty này.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một dự án cao tốc khá “lận đận” với rất nhiều khó khăn vướng mắc và phải mất đến 13 năm kể từ ngày khởi công, dự án mới hoàn thành.

Cụ thể, giai đoạn đầu (2009 - 2019) với nhóm nhà đầu tư do Đinh Ngọc Hệ (đã bị bắt) điều hành, dự án chỉ thực hiện chỉ được 10% khối lượng. Từ tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư mời tham gia quản trị, điều hành dự án để tháo gỡ vướng mắc. Dự án được tái khởi động lần 3 và UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng.

Việc thu phí của Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng khá ồn ào và tốn nhiều giấy mực của báo chí. Cụ thể, hồi giữa tháng 6/2022, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã phí tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cao nhất lên đến 432.000 đồng mỗi lượt và bắt đầu thu phí từ đầu tháng 7/2022.

Tuy nhiên, mức phí này được đánh giá là quá cao. Sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã điều chỉnh giảm, cao nhất còn 334.700, tương ứng với mức giảm khoảng 97.000 đồng. Dù vậy, mức phí này vẫn bị các hãng vận tải cho là cao và “né” đi cao tốc, chọn đi trên Quốc lộ 1.

Có thể bạn quan tâm