Hình ảnh băng rôn phản đối CDO. Nguồn: posttin
Trong hơn 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu CDOcủa CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị đã trở thành một trong những cái tên “hot” nhất thị trường.
Tuy vậy, điều đáng buồn là sự nổi tiếng của CDO không đến từ sự tăng trưởng của giá cổ phiếu hay hoạt động kinh doanh mà đến từ những phiên giảm sàn liên tiếp trong tình trạng mất thanh khoản.
Nếu như vào đầu tháng 12/2016, cổ phiếu CDO còn giao dịch tại vùng giá 35.000 đồng thì đến hết phiên 10/1/2017, thị giá CDO chỉ còn 5.870 đồng, tương ứng mức giảm 83%. Trong khoảng thời gian này, CDO có tới 25 phiên giảm sàn liên tiếp, vượt qua “kỷ lục” cũ của Gỗ Trường Thành (TTF) với 24 phiên liên tiếp giảm sàn và trở thành cổ phiếu có số phiên giảm sàn kéo dài nhất trong lịch sử 15 năm TTCK Việt Nam.
Biến động cổ phiếu CDO kể từ khi niêm yết |
Khác với một số doanh nghiệp có cổ phiếu giảm sàn liên tiếp vốn tương đối kín tiếng, ban lãnh đạo CDO tỏ ra khá chủ động khi mau chóng đăng tải các thông tin về hoạt động kinh doanh, thậm chí đã yêu cầu cơ quan điều tra nhập cuộc nhưng tình trạng giảm sàn vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trên một diễn đàn về tài chính, chứng khoán, không ít nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại kịch bản CDO sẽ trở thành một MTM thứ 2.
Cũng tại diễn đàn này, tài khoản có nickname “posttin” chiều 10/1/2017 đã đăng tải hình ảnh tấm băng rôn biểu tình với nội dung “CTCP Tư vấn thiết kế đô thị (CDO) tăng vốn làm giá chứng khoán”. Theo nickname này, tấm băng rôn đã được nhà đầu tư treo tại UBCKNN. Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp cận thì tấm băng rôn đã không còn tồn tại. Đại diện UBCK cho biết, không có sự việc này xảy ra.
Không ít nhà đầu tư trên diễn đàn đã dự đoán CDO sẽ tiếp tục giảm sàn, thậm chí có thể rơi về vùng giá 2.x như nhiều trường hợp trên TTCK thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cũng có nhà đầu tư tỏ ra e ngại về ban lãnh đạo công ty khi Chủ tịch HĐQT – ông Vũ Đình Nhân chỉ mới 27 tuổi, còn quá trẻ để lãnh đạo doanh nghiệp.
Trước đây, tại Đại hội cổ đông thường niên của CTCK Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) sau khi bị dừng giao dịch, các cổ đông cũng kêu gọi nhau đem băng rôn đến trước cổng Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để đòi cơ quan quản lý... giải quyết. Quả thực, đặt vị trí là nhà đầu tư đã trót dại mua phải MTM hay CDO, họ cũng không biết làm thế nào để đòi quyền lợi.
Trong tháng 9/2016, CDO có đợt phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong đợt phát hành này, CDO chỉ bán được 8,5 triệu cổ phiếu. Điều đáng chú ý, hàng loạt thành viên HĐQT công ty cũng như người có liên quan đã bán sạch quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành này.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông CDO, ông Vũ Đình Nhân đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 5,2% cổ phần và cũng là người duy nhất sở hữu trên 5% cổ phần CDO. Tổng lượng cổ phần mà ban lãnh đạo cũng như người có liên quan CDO đang nắm giữ hiện tại chỉ khoảng 7 triệu đơn vị, tương ứng 22% vốn điều lệ công ty.
Với một doanh nghiệp mà ban lãnh đạo nắm giữ tỷ lệ rất nhỏ và cũng không thực hiện mua vào trong đợt phát hành hẳn khiến cổ đông đặt ra câu hỏi về tính minh bạch.