Chân dung 3 doanh nghiệp được chấp thuận trở thành cổ đông lớn của PG Bank

Xuất nhập khẩu Gia Linh, Quốc tế Cường Phát và Thương mại Vũ Anh Đức dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng tổng 119,9 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn của PG Bank...

Chân dung 3 doanh nghiệp được chấp thuận trở thành cổ đông lớn của PG Bank
Chân dung 3 doanh nghiệp được chấp thuận trở thành cổ đông lớn của PG Bank

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận về đề nghị mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã chứng khoán: PGB).

Theo văn bản, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc 3 công ty mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn tại PG Bank.

Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, dự kiến nhận chuyển nhượng 39,3 triệu cổ phiếu, tương đương 13,1% cổ phần.

Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát dự kiến nhận chuyển nhượng 40,5 triệu cổ phiếu, tương đương 13,54% cổ phần.

Cuối cùng là Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức dự kiến nhận chuyển nhượng 40,1 triệu cổ phiếu, tương đương 13,36% cổ phần.

Như vậy, 3 nhà đầu tư tổ chức nói trên sẽ nhận chuyển nhượng tổng cộng 119,9 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn điều lệ của PG Bank.

PGBank và ba công ty được yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật, điều lệ của PGBank về sở hữu cổ phần và mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các công ty thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn nhận chuyển nhượng, không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp để nhận chuyển nhượng, không góp vốn, mua cổ phần của PGBank dưới tên cá nhân, pháp nhân hoặc dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được ủy thác theo quy định.

PGBank cũng được quyền đình chỉ quyền cổ đông của 3 công ty trên nếu phát hiện việc cung cấp thông tin không chính xác về chủ sở hữu thực sự của các cổ phần. Trong 7 ngày kể từ khi kết thúc chuyển nhượng, PGBank cần báo cáo Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện giao dịch.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2023, Petrolimex đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB cho 4 nhà đầu tư, trong đó gồm ba tổ chức là 3 công ty trên và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng/cổ phiếu, Petrolimex thu về khoảng 2.568 tỷ đồng.

Theo thông tin về doanh nghiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh có lĩnh vực kinh doanh chính là in ấn, do bà Phạm Thị Phương (sinh năm 1990) làm người đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 8/10/2010 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng; cổ đông bao gồm ông Võ Trọng Phú (chiếm 10% vốn điều lệ) và bà Phạm Thị Phương (chiếm 90% vốn điều lệ).

Đến thời điểm ngày 28/4/2023, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 853 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Võ Trọng Phú giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 0,09%; bà Phạm Thị Phương giảm từ 90% xuống chỉ còn 0,84% và ông Nguyễn Tiến Dũng sở hữu 99,07%.

Kế tiếp là Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát, với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là vận tải, thành lập vào ngày 9/2/2015. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật.

Khi mới thành lập, vốn điều lệ của công ty là 8 tỷ đồng. Xét về cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Văn Mạnh sở hữu 50% vốn điều lệ; ông Nguyễn Trường Sơn chiếm 25%, hai cá nhân là Nguyễn Bá Thao và Vũ Văn Túc đều chiếm 12,5%. Được biết, Nguyễn Bá Thao và Vũ Văn Túc có chung một địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú, tại tổ 32, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đến 14/3/2017, cả hai cá nhân này đều thoái sạch vốn tại Cường Phát.

Đến tháng 5/2021, công ty Cường Phát đã tăng lên 100 tỷ đồng. Đến tháng 5/2023, vốn điều lệ của tổ chức này đã nâng lên 882 tỷ đồng.

Cuối cùng là Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức, được thành lập vào đầu tháng 6/2010 với lĩnh vực kinh doanh chuyên về khai thác mỏ, quặng. Thời gian đầu, người đại diện pháp luật của công ty là ông Vũ Văn Nhuận (sinh năm 1973), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đến tháng 5/2022, đổi thành ông Nguyễn Văn Đạt.

Doanh nghiệp này đã trải qua nhiều lần tăng vốn điều lệ, khi thời điểm mới thành lập chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Đến năm 2017 tăng lên 10 tỷ đồng, năm 2018 và năm 2020 vốn điều lệ lần lượt tăng lên mức 30 tỷ và 40 tỷ đồng. Đến tháng 4/2023 vốn điều lệ tăng mạnh lên mức 900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp này đều tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ vào tháng 4/2023, thời điểm Petrolimex tiến hành bán đấu giá cổ phần của PG Bank.

Quay lại với PG Bank tại một nội dung đáng chú ý khác, ngân hàng cũng đã chốt kế hoạch sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/10/2023. Trong đó, Hội đồng quản trị PG Bank sẽ trình cổ đông thông qua là phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng.

Trước đó, PG Bank vừa thông báo một số biến động trong dàn lãnh đạo cấp cao của ngân hàng. PG Bank đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Oliver Schwarzhaupt, Thành viên Hội đồng quản trị; ông Nilesh Banglorewala, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập và bà Dương Ánh Tuyết, Thành viên Ban Kiểm soát vừa mới được bổ nhiệm hồi cuối tháng 7 vừa qua. Cả 3 nhân sự này đều xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hành trình "0 đồng" của OceanBank, CBBank và GP Bank

Hành trình "0 đồng" của OceanBank, CBBank và GP Bank

Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của ngân hàng "0 đồng" khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp mua lại các tổ chức gặp khó khăn như GP Bank, OceanBank và CBBank. Hành động này không chỉ bảo vệ người gửi tiền mà còn mở ra những bài học quý giá về quản trị và giám sát trong ngành ngân hàng...

Phối cảnh dự án khu đô thị Tây thị trấn Chờ

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh chỉ nhiều sai phạm của Công ty Hưng Ngân tại dự án nhà ở hơn 3.500 tỷ đồng

Dự án khu đô thị Tây thị trấn Chờ, phân Khu A - Khu 3 hoàn trả vốn đối ứng cho dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp TL286 đoạn từ thị trấn Chờ đến cầu Đò Lo của Công ty Hưng Ngân bị thanh tra tỉnh Bắc Ninh chỉ ra nhiều sai phạm về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và thu hồi đất...

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

HOSE và HNX cắt margin 170 mã chứng khoán trong quý 4/2024

Các nguyên nhân bị cắt margin gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ