Châu Âu: Ít nhất 188 người tử vong vì lũ lụt

Tình trạng lũ lụt bất ngờ tại các nước châu Âu đã khiến ít nhất 188 người thiệt mạng và nhiều gia đình rơi vào cảnh mất trắng.
Châu Âu: Ít nhất 188 người tử vong vì lũ lụt

Tại Đức, khoảng 110 người đã thiệt mạng tại quận Ahrweiler bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía nam Cologne. Cảnh sát cho biết sẽ có thêm nhiều thi thể được tìm thấy khi nước lũ rút đi. Ở North Rhine-Westphalia, ít nhất 46 người đã được báo cáo tử vong vì lũ lụt. Số người tử vong ở Bỉ cũng đã tăng lên 31 người vào 18/7. 

Một đợt lũ lụt bất ngờ ở châu Âu, bắt đầu từ 14/7, đã chủ yếu tấn công các bang Rhineland Palatinate, North Rhine-Westphalia của Đức cũng như các vùng lân cận của Bỉ. Toàn bộ khu vực đã bị cắt điện, không có điện hoặc mất liên lạc.

Khi những nỗ lực tìm kiếm những người mất tích đang được tiến hành, thì sự tàn phá tiếp tục xảy ra vào 18/7 khi một huyện của Bavaria, miền nam nước Đức, phải đối mặt với một đợt lũ quét khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Đường xá biến thành sông, nhiều phương tiện bị cuốn trôi và đất bị vùi lấp dưới các lớp bùn tại Berchtesgadener Land. Hàng trăm nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người còn sống sót ở huyện giáp với Áo.

“Chúng tôi đã chưa kịp thời chuẩn bị cho việc này,” Bernhard Kern, quan chức quận Berchtesgadener Land, cho biết thêm rằng tình hình đã xấu đi một cách “trầm trọng” vào cuối ngày 17/7, khiến cho các dịch vụ khẩn cấp không kịp thời gian để hành động. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả tình trạng lũ lụt vừa qua là vô cùng "kinh hoàng" và là thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất của đất nước trong gần 6 thập kỷ. 

Sau khi đến thăm một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lượng mưa và lũ lụt kỷ lục khiến ít nhất 157 người thiệt mạng chỉ tính riêng ở Đức trong những ngày gần đây, bà Merkel cam kết sẽ nhanh chóng hỗ trợ tài chính và thúc giục các chính phủ cùng chuẩn bị tốt hơn và nhanh hơn trong nỗ lực giải quyết tác động của biến đổi khí hậu. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel trực tiếp đến thăm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lũ lụt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trực tiếp đến thăm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lũ lụt.

Chính phủ Đức sẽ sẵn sàng cứu trợ hơn 300 triệu euro ngay lập tức và hỗ trợ hàng tỷ euro để sửa chữa những ngôi nhà, đường phố và cầu đường bị sập, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz nói với tuần báo Bild am Sonntag. “Thiệt hại quá lớn, rất nhiều người dân bị mất công việc kinh doanh, nhà cửa của họ và chúng tôi sẽ không để họ phải chống đỡ lại thiệt hại một mình."

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết cũng có thể sẽ có một khoản thanh toán ngắn hạn 10.000 euro cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của lũ lụt cũng như đại dịch Covid-19.

Các nhà khoa học từ lâu đã nói rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những trận mưa như trút nước, cho biết vẫn phải mất vài tuần để xác định rõ nguyên nhân của đợt thiên tai lần này. 

Bỉ sẽ tổ chức ngày quốc tang vào 20/7 để tưởng niệm những người đã tử vong trong đợt lũ lụt. Ngoài ra, hiện vẫn còn khoảng 163 người đang mất tích hoặc không thể liên lạc được. Trung tâm chống khủng hoảng nước này cho biết mực nước đang giảm dần và một hoạt động dọn dẹp đang được tiến hành. Quân đội đã được cử đến thị trấn phía đông Pepinster, nơi có hàng chục tòa nhà đã sụp đổ, để tìm kiếm các nạn nhân. 

Khoảng 37.0000 hộ gia đình đã không có điện và chính quyền Bỉ cho biết việc cung cấp nước sạch cũng đang là một mối quan tâm lớn.

Mực nước đang giảm dần tại một số khu vực.
Mực nước đang giảm dần tại một số khu vực. 

Các quan chức của dịch vụ khẩn cấp ở Hà Lan chia sẻ, tình hình đã phần nào ổn định ở khu vực phía nam của tỉnh Limburg, nơi hàng chục nghìn người đã phải sơ tán trong những ngày gần đây, mặc dù phần phía bắc vẫn trong tình trạng báo động cao. Hà Lan cho đến nay chỉ báo cáo thiệt hại về tài sản do lũ lụt và không có người chết hoặc mất tích.

Tại Hallein, một thị trấn của Áo gần Salzburg, nước lũ mạnh đã “xé toạc” trung tâm thị trấn vào tối 17/7 khi sông Kothbach vỡ bờ, nhưng không có người bị thương nào được ghi nhận. Nhiều khu vực của tỉnh Salzburg và lân cận vẫn trong tình trạng báo động, với những trận mưa sẽ tiếp tục diễn ra vào 18/7. Tỉnh Tây Tyrol báo cáo rằng mực nước ở một số khu vực đã ở mức cao chưa từng thấy trong hơn 30 năm.

Các khu vực của Thụy Sĩ vẫn trong tình trạng báo động lũ lụt, mặc dù mối đe dọa do một số vùng nước có nguy cơ cao nhất như Hồ Lucerne và sông Aare của Bern đã giảm bớt.

Có thể bạn quan tâm