Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 28/2/2023, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng trong tháng 2/2023.
Cụ thể, đợt phát hành riêng lẻ duy nhất đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động Sản Sơn Kim với 500 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 2,5 năm và lãi suất cho kỳ đầu là 13.5%/năm và thả nổi vào những kỳ sau.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan đã thực hiện 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Các trái phiếu phát hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan trong 2 đợt này đều có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9.5%/năm cho kỳ đầu và thả nổi vào những kỳ sau.
Cũng theo VBMA, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan đã công bố phương án chào bán ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư TDG Global (TDG) thông qua phương án chào bán riêng lẻ 50 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền trong quý 1/2023, kỳ hạn 3 năm với mức lãi suất phát hành là 13,7%/năm.
Về trái phiếu mua lại trước hạn, trong tháng 2/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 4.782 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại diễn biến liên quan, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu vào ngày 21/2/2023, một số doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán sau đó.
Được biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100.000 tỷ đồng.
Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng vào quý 2 và 35.400 nghìn tỷ đồng vào quý 3.
Theo các chuyên gia FiinGroup: "Các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định 08 về trái phiếu riêng lẻ và Nghị quyết 33 vừa ban hành của Chính phủ, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ, cũng như hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai”.
Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định có một số điểm mới về: (i) chính sách cho phép các DNPH trong trường hợp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của minh để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản; (ii) quy định về gia hạn đối với trái phiếu (kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm); (iii) ngưng hiệu lực thi hành quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023.