Chỉ đạo mới liên quan đến vốn đối ứng của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về việc tiếp tục bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/7/2022
Chỉ đạo mới liên quan đến vốn đối ứng của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 4149/VPCP – KTTH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái liên quan đến vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ kết luận tại Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 17/6/2022 của Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về việc tiếp tục bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/7/2022 (kèm theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ); trong đó bổ sung, báo cáo rõ nội dung về tính khả thi của phương án đề xuất; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư vào tháng 10/2010 và được Bộ GTVT phê duyệt Dự án vào ngày 31/12/2014. Dự án có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 13.654,6 tỷ đồng; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975 ttr đồng và vốn đối ứng là 5.689.7 tỷ đồng.

Theo thông tin từ chủ đầu tư Dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, sản lượng thi công của công trình này hiện đã đạt khoảng 80%. Dự án được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn ODA, vốn đối ứng nên Dự án phải dừng thi công từ giữa năm 2019. Chỉ tính riêng vốn đối ứng, công trình còn cần tối thiểu khoảng 1.870 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, trên cơ sở cân nhắc kỹ các phương án, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị Chính phủ giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để tiếp tục triển khai Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC rà soát chính xác số vốn đối ứng còn thiếu để hoàn thành công trình.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 7/2014, theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 2018. Dự án được chia làm 3 phân đoạn, trong đó đoạn giữa (chủ yếu là các cầu vượt sông lớn) và đoạn đường phía Tây và phía Đông.

Tính đến giữa tháng 6/2022, 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đạt khoảng 78,96% (10.858 tỷ đồng/ 13.751 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng, không bao gồm dự phòng, thuế).

Đối với các gói thầu đoạn phía Tây, gồm 5 gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4) do Hiệp định vay 2730-VIE đã đóng ngày 30/6/2019 nên không có vốn thanh toán, dẫn đến các nhà thầu đã dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay. Đối với các gói thầu đoạn giữa gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3 (sử dụng vốn vay JICA) do Quốc hội tạm dừng phân bổ vốn ngân sách cho Dự án từ tháng 11/2018 nên từ tháng 1/2019 đến nay các nhà thầu Nhật Bản đã dừng thi công, mặc dù thời gian của Hiệp định vay JICA có thời hạn giải ngân đến ngày 17/7/2024.

Đối với các gói thầu đoạn phía Đông (3 gói thầu A5, A6 và A7), sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB số 3391-VIE, sau khi được gia hạn hiệp định, 2/3 gói thầu đã thi công trở lại từ đầu năm 2021. Riêng nhà thầu thi công gói A6 đã dừng thi công từ năm 2020 và đề nghị chấm dứt hợp đồng tại thư ngày 27/11/2020.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm