Cao tốc Bến Lức – Long Thành tiếp tục chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng

Mặc dù VEC đã tạm ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa phận TP HCM cho địa phương nhưng vẫn còn vướng 30 trường hợp chưa bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành tiếp tục chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 5005/BGTVT-CQLXD gửi UBND TP HCM về đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến đường quan trọng kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển vùng kinh tế TP HCM và các tỉnh lân cận, được đầu tư xây dựng từ năm 2015. Nhưng do ảnh hưởng nguồn vốn, tuyến đường này đã tạm dừng thi công từ năm 2019.

Bộ GTVT và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khởi động thi công lại trong tháng 5/2022 để hoàn thành công trình vào cuối năm 2023 theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và Quyết định số 1471/QĐ- BGTVT ngày 31/7/2020 của Bộ GTVT về phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó, phấn đấu hoàn thành thông xe đoạn qua địa phận TPHCM trong năm 2022.

Mặc dù VEC đã tạm ứng vốn để thực hiện GPMB cho địa phương nhưng đến nay việc GPMB đoạn qua địa phận TP HCM còn vướng 30 trường hợp chưa bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Cụ thể, huyện Bình Chánh còn 17 trường hợp với khoảng 1,93 ha mặt bằng để xây dựng công trình; huyện Nhà Bè còn 13 trường hợp với khoảng 0,27 ha mặt bằng để di dời 3 đường điện cao thế.

Vì vậy, để thi công đáp ứng tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP HCM tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện giải quyết các tồn tại, đẩy nhanh GPMB, hoàn thành bàn giao trong tháng 6/2022.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 7/2014. Dự án chia làm 3 phân đoạn, gồm phân đoạn giữa (chủ yếu là các cầu vượt sông lớn), phân đoạn phía tây và phía đông.

Đoạn 1 (phía tây) dài 21,1 km, gồm 5 gói thầu là A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 sử dụng vốn vay của ADB thông qua Hiệp định vay lần 1 số 2730-VIE trị giá khoảng 350 triệu USD. Do hiệp định vay này đã hết hiệu lực sau ngày 30/6/2019, nên các gói thầu đã dừng thi công từ tháng 7/2019 khi khối lượng thi công đạt 87,2%, giải ngân được 50,62% hiệp định vay.

Đoạn 2 (giữa) dài 10,7 km chủ yếu là các cầu lớn vượt sông, có độ phức tạp rất cao về kỹ thuật, gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3, sử dụng vốn vay ODA của JICA. Các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn, khối lượng thi công đạt 84,6%.

Đoạn 3 (phía đông) dài 25,3 km, gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7, sử dụng vốn vay ADB thông qua Hiệp định vay lần 2 số 3391-VIE trị giá khoảng 297 triệu USD đã được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Đây là 3 gói thầu duy nhất được bố trí vốn để các nhà thầu triển khai thi công, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, khối lượng thi công đạt khoảng 50% và đang bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19 khiến thi công gặp khó khăn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…