Chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh nói chưa bao giờ có ý nghĩ lừa tiền nhà đầu tư?

Đứng trước tòa, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu…

Ông Đỗ Anh Dũng tại phiên toà xét xử
Ông Đỗ Anh Dũng tại phiên toà xét xử

Ngày 19/3, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành xét xử 15 bị cáo trong vụ "đại án" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Tại phiên toà, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (con trai của Đỗ Anh Dũng), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, khai bản thân nắm giữ tài chính tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Năm 2021, tập đoàn gặp khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng nên đã để 3 công ty con là Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông phát hành trái phiếu huy động vốn của dân.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh thừa nhận việc lập hồ sơ khống, dựng lên để phát hành trái phiếu là giả, không có thật. "Việc liên hệ với kiểm toán, lập hồ sơ phương án cũng là giả. Bị cáo thời điểm đó, không nhận thức được hậu quả gây ra nặng nề như thế", bị cáo Việt khai.

Việt cũng thừa nhận thời điểm đó, các trái phiếu của 3 công ty phát hành chưa đủ về mặt pháp lý. Khi đó, bị cáo cùng các đồng phạm đã tạo lập hồ sơ phương án, dòng tiền "mua đi bán lại" để phát hành trái phiếu là gian dối.

Sau khi được cách ly để xét hỏi các bị cáo còn lại, chiều nay 19/3, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh đã được chủ tọa yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa bị cáo trở lại phòng xét xử.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh là người điều hành, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty trực thuộc.

Trước khi xét hỏi bị cáo Dũng, Hội đồng xét xử thông báo các bị cáo trước đó đều khai việc phát hành trái phiếu là chủ trương của bị cáo này.

Trả lời hội đồng xét xử, ông Dũng thừa nhận ra chủ trương phát hành các lô trái phiếu và giao cho con trai Đỗ Hoàng Việt thực hiện. Lý do phát hành là bởi năm 2021, nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng lớn, tập đoàn phải tìm thêm các nguồn huy động vốn, chứ không chỉ từ ngân hàng.

Theo lời ông Dũng, trước khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh triển khai phát hành trái phiếu, bị cáo được biết các tập đoàn khác đã phát hành hàng triệu tỷ đồng. “Với kinh nghiệm 30 năm điều hành doanh nghiệp, bị cáo hiểu rõ trái phiếu là một kênh huy động vốn hiệu quả”, bị cáo Dũng khai và khẳng định thời điểm phát hành trái phiếu vẫn còn một số tài sản đảm bảo để thế chấp.

Giữ chức Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh nên ông Dũng chỉ đưa ra chủ trương lớn, phía dưới là con trai và hệ thống tài chính thực hiện. 3 công ty phát hành trái phiếu là Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông đều thuộc sở hữu của bị cáo Đỗ Anh Dũng.

Chủ tọa đề cập tới hành vi "chạy" dòng tiền ảo để chuyển 9 lô trái phiếu của 3 công ty Cung Điện Mùa Đông, Soleil và Ngôi Sao Việt sang Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Anh Dũng nói, nhìn dưới góc độ dòng tiền có thể thấy đó là ảo, nhưng thực tế cả tập đoàn và 3 công ty đều thuộc sở hữu của ông.

Thừa nhận trách nhiệm của người điều hành cao nhất tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Dũng tôn trọng các cáo buộc sai phạm của cáo trạng và kết luận điều tra.

Tuy vậy, bị cáo khẳng định "ngay từ khi phát hành trái phiếu, chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu". Bị cáo chỉ ý thức rằng đây là việc huy động tiền để phục vụ kinh doanh, đầu tư.

Trước lời khai đó, chủ toạ truy vấn: "Huy động vốn như thế có đúng?”. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thời điểm đó nhận thức về phát hành trái phiếu chưa đầy đủ, đến nay nhận thức được là sai.

Trả lời câu hỏi việc phần lớn số tiền huy động từ trái phiếu đều sử dụng không đúng mục đích, ông Dũng cũng thừa nhận về cơ bản là như cáo trạng truy tố.

Bị cáo khai thêm, ngay khi bị khởi tố, bắt tạm giam và được cán bộ điều tra giải thích về sai phạm của bản thân, ông đã viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả tối đa.

Chỉ trong hơn 1 năm, dù điều kiện rất khó khăn, thông qua 2 lần gặp gia đình, bị cáo đã nộp để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng, thậm chí còn nộp thừa khoảng 1 tỷ đồng.

"Bị cáo Đỗ Anh Dũng thành thật xin lỗi các nhà đầu tư, gia đình, bạn bè thân thiết, cán bộ nhân viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã vất vả, lo lắng, gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cao nhất", Chủ tịch Tân Hoàng Minh trình bày.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...