Chính thức khai mạc Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019: Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường

Sáng nay (8/8), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Báo điện tử Chính Phủ

Đây là diễn đàn chính sách công nghệ quy mô quốc gia và quốc tế do VINASA tổ chức thường niên từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự quan tâm chỉ đạo, tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn hàng năm đều đưa ra thông điệp về chính sách, công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT.

Đến dự Vietnam ICT Summit 2019 có ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng khoảng 800 đại biểu lãnh đạo cấp cao từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.

Từ xu thế chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, có thể thấy Việt Nam không thể "đứng ngoài cuộc" - nếu không muốn nói đây là một vấn đề mang tính sống còn. Từng ngành, từng lĩnh vực đều cần tái cấu trúc, thay đổi về chất mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào sáng tạo và tăng năng suất.

Với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường, Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên.

Phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp ICT trong quá trình chuyển đổi số: "Chúng ta phải phát triển các doanh nghiệp ICT tại Việt Nam gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ 10-20 năm kinh nghiệm, doanh nghiệp công nghệ mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới, theo Bộ trưởng, thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. “Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó là văn hoá người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đang dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia", nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số (Digital Việt Nam), trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Bộ TT&TT sẽ phải trình Đề án chuyển đổi số quốc gia trong tháng 11/2019. Khi được ban hành, Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Tại Vietnam ICT Summit 2019, "Liên minh Chuyển đổi số" đã chính thức được thành lập với sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp CNTT - Truyền thông lớn. Đây là sáng kiến do VINASA đề ra, nhằm "hiệu triệu", kêu gọi các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… chung tay hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. 

Sau phiên khai mạc sẽ có phần thảo luận tại Diễn đàn bao gồm:

  1. Chủ đề 01: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng;
  2. Chủ đề 02: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - Nền tảng ứng dụng
  3. Các chuyên đề:

(1) Chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước

(2) Chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Bên lề Diễn đàn còn có các hoạt động như Triển lãm các giải pháp về chuyển đổi số trong các lĩnh vực: chính quyền điện tử, chuyển đổi số cho Doanh nghiệp, cho các ngành sản xuất, Nông nghiệp, du lịch, y tế, tài chính ngân hàng…

Có thể bạn quan tâm