Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình Bữa sáng Doanh nhân

Tham gia Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 11/1 có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD; bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA, cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD - HBA.

Đặc biệt, lần đầu tiên chương trình Bữa sáng Doanh nhân có sự tham dự của nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu và các “trà nương” đã mang tới một không gian tiệc trà đầy tinh tế.

ĐỘNG LỰC MỚI KIẾN TẠO SỨC MẠNH DOANH NGHIỆP

Tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 11/1, TS. Nguyễn Hồng Sơn phấn khởi về thành công của sự kiện “Gặp mặt Tất niên truyền thống - Chào năm mới 2025 - Xuân Ất Tỵ” vừa được HBA phối hợp cùng VACOD tổ chức vào tối 6/11. Đây là chương trình do HBA tổ chức từ năm 2006, sau đó đã trở thành chương trình thường niên của hai hiệp hội VACOD-HBA cùng phối hợp tổ chức vào mỗi dịp cuối năm. Sự kiện là dịp để ban lãnh đạo hiệp hội gặp gỡ, tri ân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đồng hành và hỗ trợ cùng sự phát triển của VACOD-HBA trong suốt năm qua.

Chương trình mới đây có sự tham dự của gần 60 vị khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nhân chương trình đặc biệt cuối năm cũng là dịp chào xuân năm mới 2025, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đã thay mặt ban lãnh đạo VACOD-HBA báo cáo sơ bộ với các vị khách mời về những hoạt động nổi bật của hai hiệp hội trong năm 2024. Đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Qua đó, các vị khách mời cũng bày tỏ sự đánh giá cao những hoạt động sôi động, tâm huyết, hiệu quả của ban lãnh đạo hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên trong suốt một năm qua.

TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ tại chương trình

Tại chương trình tất niên đặc biệt của VACOD-HBA, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và biểu dương những chương trình hoạt động của hai hiệp hội. Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn “bật mí” thêm, ngay sau chương trình ông Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn sang năm 2025, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ sắp xếp lịch trình làm việc để có thể tham dự một số Chương trình Bữa sáng Doanh nhân do VACOD-HBA tổ chức nhằm lắng nghe, kết nối nhiều hơn, hiệu quả hơn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Qua đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng muốn tiếp thu trực tiếp những ý kiến của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội để có thêm nhiều những đóng góp hữu ích cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Đây cũng là tiền đề để lãnh đạo thành phố có những thay đổi, điều chỉnh các chính sách trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đúng như phương châm của thành phố “lấy doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và là trung tâm của mọi chính sách, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.

“Tôi hi vọng sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội này để có sự kết nối đều đặn hàng tuần, hàng quý với lãnh đạo chính quyền thành phố thông qua các nội dung chương trình Bữa sáng Doanh nhân”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn kỳ vọng.

Ông Sơn chia sẻ thêm, theo truyền thống từ nhiều năm trước, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô luôn được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm thông qua những kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội. Lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên cử đại diện tham dự các chương trình, sự kiện do hiệp hội tổ chức để tiếp xúc gần hơn với doanh nghiệp. Một số vị khách mời quen thuộc của các chương trình Bữa sáng Doanh nhân thời còn đương chức có thể kể đến Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi; GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố…

Hiện nay, chứng kiến sự hoạt động sôi nổi, hiệu quả của cộng động doanh nghiệp VACOD-HBA, chính lãnh đạo thành phố đã chủ động đặt vấn đề thể hiện sự quan tâm đối với các doanh nghiệp nên lãnh đạo hai hiệp hội cũng sẽ nắm bắt cơ hội, để có thể kết nối nhiều hơn với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Theo dòng thời sự nóng, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn lưu ý các doanh nhân về Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc sẽ được tổ chức ngay đầu tuần tới về quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng chính là nội dung thảo luận trong chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng năm 2024 diễn ra hôm 28/12. Qua chương trình tọa đàm, các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần hứng khởi, sẵn sàng tham gia “cuộc cách mạng” góp phần giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ.

Về phía hai hiệp hội, ban lãnh đạo mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tìm hiểu để vận dụng Nghị quyết 57 vào thực tiễn hoạt động để đạt được những hiệu quả hoạt động tốt nhất. Một lần nữa, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn mong muốn các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp có thêm những định hướng trong tương lai.

Chủ tịch Sơn đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ. Ông muốn các doanh nghiệp này sẽ trở thành những "ngôi sao dẫn đường", sớm xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp khác nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng số. “Khai thác tối đa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết 57 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và các tổ chức phát triển là mục tiêu cuối cùng chúng ta cần hướng đến”, TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, một số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, cung ứng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán đã tranh thủ cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới cộng đồng các doanh nghiệp hội viên. Đây vừa là dịp để các doanh nghiệp phân phối tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng, đồng thời cũng là cơ hội để khách hàng được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá thành ưu đãi nhất, góp phần xây dựng thị trường nội bộ VACOD-HBA phát triển bền vững. Đồng thời theo tinh thần “hàng Việt vì người Việt” của hiệp hội.

THƯỞNG TRÀ – NÉT VĂN HOÁ TRONG BỮA SÁNG DOANH NHÂN 2025

Buổi gặp gỡ ngày 11/1 đã trở nên đặc biệt hơn khi lần đầu tiên phần tiệc trà chính thức được giới thiệu và triển khai, một nét văn hóa mới được bổ sung vào chương trình Bữa sáng Doanh nhân năm 2025, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho các doanh nhân và các vị khách mời tham dự.

Tại buổi tiệc trà đầu tiên, trong thời gian các “trà nương” thể hiện quá trình pha trà và mời các vị khách thưởng thức những tách trà thượng hạng, nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu đã có những chia sẻ sâu sắc và chân thành. Ông Hiếu không chỉ giới thiệu về văn hóa trà Việt Nam mà còn say sưa trải lòng về niềm đam mê cháy bỏng với nghề trà, đồng thời chia sẻ những khó khăn và trăn trở trong hành trình gìn giữ và phát triển di sản trà Việt.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ về văn hóa trà Việt Nam

Theo nghệ nhân Đào Đức Hiếu (người sinh trưởng trong một gia đình hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề trà), trà gắn liền với văn hóa, con người Việt Nam trong suốt cuộc đời. Thời trước, gần như bất cứ gia đình nào cũng có bộ sập gụ, tủ chè, bộ ấm chén để uống trà cho thấy sự gần gũi và quen thuộc. Ngay trong hoạt động đối ngoại của các nguyên thủ quốc gia cũng thường có hoạt động “ngoại giao trà”, đó là các lãnh đạo cấp cao thường xuyên tiếp đón các vị chính khách đến Việt Nam bằng tiệc trà.

“Gần đây, tại hội nghị với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao trà, ngoại giao tôm… nhằm phát triển, thúc đẩy ngoại giao kinh tế”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu cho biết.

Năm 2025, sẽ là năm đầu tiên phần “Tiệc trà Doanh nhân” sẽ được đưa vào chương trình Bữa sáng Doanh nhân của VACOD-HBA tổ chức. Nghệ nhân Đào Đức Hiếu khẳng định, trong mỗi chương trình của mỗi tuần, sẽ đưa đến một loại trà khác nhau để giới thiệu đến các vị khách mời, các doanh nhân, như vậy, các vị khách của Bữa sáng Doanh nhân sẽ được thưởng thức trên 50 loại trà trong năm nay. Đặc biệt, qua mỗi chương trình, nghệ nhân và các “trà nương” sẽ đem đến một câu chuyện của từng phẩm trà, từng vùng đất, con người và cả những nét văn hoá tinh tế gửi gắm trong chén trà đó. Đó là câu chuyện về vùng đất trồng trà với những nét văn hóa đặc trưng, về điểm đặc biệt nhận diện hương vị của từng loại trà. Ngoài ra, trong một số chương trình sẽ có những mini game để “đánh thức” phần tiềm ẩn trong mỗi con người để qua những bữa tiệc trà, các vị khách mời sẽ có thêm trải nghiệm và kiến thức về các loại trà thượng hạng cả Việt Nam.

Phẩm trà đầu tiên được đưa đến chương trình Bữa sáng Doanh nhân là trà Shan Tuyết cổ thụ của vùng núi Suối Giàng, tỉnh Yên Bái và được ướp với sen Bách Diệp Hồ Tây. Đặc biệt, đây cũng là phẩm trà Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trong chuyến thăm Việt Nam gần đây.

Theo nghệ nhân Đào Đức Hiếu, phẩm trà này được lấy từ những cây trà cổ thụ 300 - 500 năm trên đỉnh núi Suối Giàng cao 1.371m so với mực nước biển, miền đất cao thường đắm chìm trong sương tinh khiết. Cây trà được hấp thụ tinh hoa của đất trời, nơi nhiều đêm trăng trong “trà ngắm trăng, trăng thưởng trà”, hoàn toàn là sản phẩm thiên nhiên, không qua bàn tay chăm sóc cả con người. Mỗi tách trà chứa hàm lượng lớn chất EGCG chống lão hóa cho cơ thể.

Nói thêm về nét văn hóa trà, nghệ nhân Đào Đức Hiếu cho biết, trong văn hóa trà có 5 yếu tố quan trọng làm nên hương vị tách trà gồm: Nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh. Mỗi “trà nương” phải mất thời gian đến 5 năm để học cách pha trà, từ ánh mắt, cử chỉ, trà cụ rồi mới dần đi đến trình độ nhận biết chính xác từng loại trà bằng các giác quan. Trà nương có thể bịt mắt, thông qua khứu giác, vị giác vô cùng tinh tế mà có thể đọc ngay ra tên từng phẩm trà…

“Trà nương” pha trà mời các vị khách thưởng thức

Bằng kinh nghiệm học tập, nghiên cứu về văn hóa trà hơn 22 năm, nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ về cơ duyên đến với nghề. Được thừa hưởng truyền thống 3 đời gắn bó với cây trà đã bồi đắp lên tình yêu và niềm đam mê với văn hóa trà Việt của người nghệ nhân trẻ. Anh từng lặn lội đến nhiều vùng danh trà trên thế giới để nghiên cứu, học hỏi. Bên cạnh đó, nghệ nhân Đào Đức Hiếu cũng bộc bạch những trăn trở với sự phát triển của nghề trà và sức cạnh tranh của trà Việt trên thị trường tiêu dùng.

“Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về sản lượng xuất khẩu trà, chất lượng sản phẩm cũng không hề thua kém các quốc gia khác. Nhưng hiện nay, trà Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô bán giá rẻ, đồng nghĩa là chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một nỗi đau khiến những người trẻ lớp hậu sinh chúng tôi phải suy nghĩ. Có loại danh trà quý hiếm trên thế giới giá lên tới 37 tỷ đồng/kg. Lớp trẻ chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để tiếp nối thế hệ đi trước, cố gắng tạo nên các sản phẩm thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Khi tôi ra nước ngoài, nhiều bạn bè thế giới chỉ biết đến Việt Nam qua những cuộc chiến tranh, nhưng tôi nói Việt Nam không phải chỉ có những cuộc chiến. Tôi luôn tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế, Việt Nam ngoài có lịch sử dân tộc hào hùng còn có một nền văn hoá đặc sắc và đặc sản trà”, ông Hiếu tâm sự.

Ông Hiếu cho biết, hiện có 4 cơ quan thường xuyên đặt hàng các phẩm trà thượng hạng là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Quốc hội để các vị lãnh đạo tiếp đón và làm quà tặng cho các vị chính khách. “Điều đó phần nào nói lên chất lượng các phẩm trà Việt chúng tôi đang sở hữu và tôi rất lấy làm vinh hạnh được hàng tuần từ trên núi xuống đây nhằm giúp các “dũng tướng” là các anh chị doanh nhân thời bình tham dự chương trình có được sức khoẻ tốt và một khoảng thời gian sống chậm rãi sau những bộn bề lo toan với việc thưởng trà”, nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ.

Trà cũng là một sản phẩm của ngành nông nghiệp, một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ kỳ vọng các doanh nghiệp trong cộng đồng hai hiệp hội VACOD-HBA có thể đồng hành để phát triển trà như một mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt, các loại trà cổ thụ đều sinh trưởng ở khu vực núi cao, nơi mà đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn nên càng mong mỏi hơn nữa sự phát triển của các sản phẩm trà Việt, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân những vùng còn nhiều khó khăn.

NHỮNG XÚC CẢM SÂU LẮNG TỪ VĂN HÓA TRÀ

Sau khi thưởng thức loại trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng ướp sen bách diệp Hồ Tây và lắng nghe những tâm sự của nghệ nhân Đào Đức Hiếu, các doanh nhân có dịp bày tỏ nhiều cảm xúc.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Sơn, Uỷ viên Ban thường vụ HBA, Chủ tịch Công ty CP Viha Thống Nhất thừa nhận, mặc dù bản thân đã uống nhiều loại trà nhưng không mang lại cảm giác “sướng” như khi thưởng trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng hôm nay. Ông Nguyễn Hữu Sơn cũng muốn nhờ nghệ nhân giải đáp để hiểu sâu hơn về văn hóa trà Việt Nam và cách thức tìm mua những loại trà cụ đặc dụng. Đặc biệt, từng có dịp tiếp xúc với một số thương hiệu trà, ông cũng thẳng thắn hỏi nghệ nhân Đức Hiếu rằng: “Người làm trà có giàu có không?”

Doanh nhân Nguyễn Hữu Sơn

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu vui vẻ hồi đáp rằng người làm trà rất “giàu có” về văn hoá và sức khỏe. Ngoài “lãi” lớn về kiến thức và văn hoá, ông Hiếu còn cung cấp thông tin theo thống kê của một tổ chức quốc tế, trong 3 năm liên tiếp không phát hiện trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, cùng với đó trong thời gian dịch Covid-19 cả vùng cũng không có người nhiễm bệnh và nhiều người dân trong vùng sống thọ trên 100 tuổi. Nhưng tình hình chung, hiện người dân tại các vùng trà đều đang trong diện đặc biệt khó khăn theo mức trợ cấp của Chính phủ nên họ càng mong muốn được thoát nghèo nhờ những tài nguyên sẵn có trong vùng.

Nhân thắc mắc thứ hai được ông Sơn đề cập về dụng cụ pha trà, nghệ nhân Đức Hiếu cũng trăn trở về sự phát triển của trà cụ gốm sứ Việt Nam. Ông cho rằng, trà cụ không chỉ đơn thuần là dụng cụ pha trà mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa thưởng trà. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người pha trà vẫn buộc phải sử dụng các loại trà cụ nhập khẩu vì nhiều lý do, khiến cho những sản phẩm gốm sứ Việt Nam, dù có chất lượng không hề thua kém, vẫn chưa được đánh giá đúng mức và phát triển mạnh mẽ như mong đợi. Đây cũng là lý do người làm trà đang “cô đơn” khi không có hệ sinh thái đi cùng. Dịp này, nghệ nhân trà cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm trà cụ được làm bởi chính người Việt Nam.

Về phần mình, bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel, một nữ doanh nhân từng có nhiều năm theo đuổi lĩnh vực kinh doanh các phẩm trà Việt Nam xúc động nhắn nhủ: “Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến hình ảnh thế hệ trẻ đang từng ngày cố gắng gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa của đất nước. Qua đây, tôi cũng mong muốn các bạn trau đồi thêm thật nhiều bởi trong hành trình sắp tới sẽ có nhiều vấn đề được đặt ra. Từ kinh nghiệm của những người đi trước, tôi hy vọng các bạn có thể đúc rút và phát triển thêm những dấu ấn mang tính đặc trưng trên từng sản phẩm, các bạn sẽ không phải đổ “máu và nước mắt” như những người đi trước đã từng trải qua”.

Theo kinh nghiệm từ bản thân, bà Yến chia sẻ, trong các giai đoạn làm trà thì người gìn giữ vùng trà sẽ phải trải qua những giai đoạn khó khăn bởi sự khác biệt về lối sống, về tập quán có thể sẽ khiến sức khỏe của những người “từ phố lên rừng” làm kinh tế bị giảm sút phần nào.

Bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu tại chương trình

Ngoài ra nói thêm về chất lượng của các phẩm trà Việt Nam, không thể phủ nhận những sản phẩm có chất lượng thượng hạng. Chính bà Yến và cộng sự đã từng gặt hái không ít thành công, khẳng định thương hiệu trà Việt khi sản phẩm trà làm ra đã từng được giải vàng đặc biệt trong một cuộc thi về trà rất lớn tại Đài Loan vào năm đầu tiên “xuất ngoại”. “Sản phẩm đã khiến các trà sư nổi tiếng phải òa lên ngạc nhiên về cả hình thức đẹp như “Đông Phương mỹ nhân” và chất lượng khi thưởng thức với những tầng lớp phức hợp”, bà Yến giãi bày.

Chốt lại vấn đề, bà Yến chân thành đưa ra lời khuyên của những chuyên gia, những người thực sự am hiểu về trà: “Cho đến khi nào, người làm trà phải nói lên được vùng trà mình đang nắm tạo ra được loại trà nào ngon nhất, phải thực sự am hiểu sản phẩm mình làm ra thì mới có thể bước vào thế giới trà. Do vậy, những người trẻ đang làm trà phải cố gắng nghiên cứu, đào sâu để những kiến thức, giá trị của việc mình đang làm. Các bạn đừng lo lắng việc mình không có đủ thị trường bởi “hữu xạ tự nhiên hương”, sản phẩm tốt chắc chắn sẽ lấy được lòng người thưởng trà. Các bạn nên cùng nhau xây dựng một cộng đồng cùng nhau làm để tạo nên tên tuổi Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Chia sẻ thêm về mối nhân duyên với sự nghiệp làm trà, bà Yến kể lại, xuất phát từ những lần chứng kiến người đồng bào chặt những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi chỉ để lấy gỗ là những chiếc thớt bán cho thương lái bên biên giới với giá 35 triệu đồng/chiếc. Quá tiếc thương các giá trị tài nguyên bị khai thác không đúng mục đích đã buộc bà Yến phải lên ý tưởng và thực hiện nhằm cải thiện đời sống của người đồng bào và bảo vệ những vùng trà có nguy cơ bị người dân phá hủy.

“Người làm trà cũng rất khó để làm giàu bởi đứng giữa việc phát triển tài nguyên nhưng lại không tận diệt những giá trị tài nguyên mang lại. Nên cũng một lần nữa, tôi mong muốn những bạn trẻ đang làm trà có tư duy đúng đắn để có những định hướng phù hợp cho sự phát triển nghề làm trà, cải thiện đời sống của người dân bằng nhiều cách khác nhau”, bà Yến chia sẻ những khó khăn mà người làm trà sẽ phải đối diện trong hành trình phát triển.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia

Tự nhận mình không phải người sành trà nhưng sau khi có cơ hội đắm chìm vào không gian văn hóa trà, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia lại có góc nhìn riêng: “Trong khoảng thời gian cuối năm bộn bề những công việc, những vấn đề thời sự những ngày cuối năm thì chúng ta vẫn dành cho nhau chút thời gian để lắng lại, tiếp thu lượng lớn những kiến thức văn hóa trà đạo Việt Nam là điều rất đáng quý. Qua những gì nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ, chắc chắn bạn là người rất hiểu và say mê, tâm huyết máu thịt với đất trồng trà thì mới có thể làm được điều ấy. Đây là những giây phút lãng mạn hiếm có trong cuộc sống còn đang hối hả. Vừa được nghe, thưởng thức trà bằng cả 5 giác quan khiến tâm hồn mình cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát”.

Dường như cũng cuốn theo tâm trạng lắng đọng, đánh thức những cảm xúc chân thành nhất trong không gian tiệc trà, TS. Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại những kỷ niệm khó phai thủa hàn vi thời bao cấp. Vào những năm 1980, khi ông Sơn còn là một chàng sinh viên trẻ đang học tại đất trà Thái Nguyên, ông đã dày công tìm hiểu các vùng trà đặc sản của Thái Nguyên như Tân Cương, Phúc Thuận. “Chỉ cần liếc qua, tôi cũng biết các loại trà khi pha sẽ cho nước trà màu đỏ hay xanh, nhìn cánh trà có thể nhận biết trà được trồng tại vùng nào, cách người dân sao trà ra sao…”, TS. Nguyễn Hồng Sơn hồi tưởng lại thói quen thưởng trà của chính mình. Ông Sơn cũng cao hứng tiết lộ thêm rằng thời “ngăn sông cấm chợ” ấy, do am hiểu trà và có máu kinh doanh từ nhỏ nên ông đã cùng với nhóm bạn sinh viên cùng trường đã táo bạo vận chuyển và "buôn" trà trong thời “kế hoạch hoá kinh tế" đầy ấu trĩ đó.

“Sau khi nghe nghệ nhân Đào Đức Hiếu chia sẻ về văn hóa trà Việt Nam đã gợi mở cho tôi nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà không đơn giản chỉ là việc uống một ly nước, mà còn là một nghệ thuật sống, một cách để con người ta kết nối với nhau. Tôi tin rằng, việc đưa văn hóa trà vào chương trình Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, kết nối ý tưởng sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Hồng Sơn đúc kết.

Theo bật mí của nghệ nhân Đào Đức Hiếu, chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần tới sẽ mang đến cơ hội cho các vị khách mời thưởng thức hương vị của Bạch trà Shan Tuyết cổ thụ nhằm chinh phục những vị khách khó tính nhất.

Một số hình ảnh ghi tại chương trình:

Có thể bạn quan tâm