Theo đó, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông tạm thời đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm từ 10h ngày 19/5.
Cụ thể, cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô, với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án tổ chức giao thông tạm thời các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc này. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông.
Sau khi thông xe, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hai dự án cao tốc này chưa tổ chức thu phí cao tốc đối với xe ôtô lưu thông trên tuyến.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các bộ liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách.
Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, các dự án cao tốc thường có vốn đầu tư lớn, nên cần thu phí để hoàn vốn, tiếp tục đầu tư dự án khác.
Hiện nay pháp luật nước ta chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) chứ chưa có quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.
Đối với 2 dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư 10.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách, và nằm trong danh sách 9 dự án Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí nêu trên; còn dự án Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, dự kiến thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.