Thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị khánh thành

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đầu tư theo hình thức BOT và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đầu tư công...
Thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị khánh thành

Theo kế hoạch, lễ khánh thành sẽ được tổ chức trực tiếp vào sáng 19/5 tại hai địa điểm.

Trong đó, lễ khánh thành hai dự án và cắt băng khánh thành dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ được tổ chức tại Km 33+800 thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết được tổ chức tại lý trình Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Hai dự án sẽ nâng tổng số km cao tốc trục Bắc Nam đưa vào khai thác lên 835 km, tăng 458 km so với giai đoạn trước năm 2020.

Trong 2 cao tốc chuẩn bị khánh thành kể trên, dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km, nối Bình Thuận - Đồng Nai. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, các đoạn đào sâu, đắp cao có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 10.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, tổng mức đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng theo hình thức BOT. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.967 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư và huy động tín dụng khoảng 2.556 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Sau lễ khánh thành, phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h. Dự án này vượt tiến độ theo hợp đồng BOT hơn 3 tháng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có 4 trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư đặt tại các nút giao: Diên Khánh Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh. Cao tốc này cũng chỉ thu phí tự động, với thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư khoảng 16 năm 4 tháng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau lễ khánh thành, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí. Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với nhà đầu tư và đơn vị liên quan để thống nhất lại phương án thu phí, mức phí trên cơ sở hợp đồng BOT đã ký. Dự kiến, thời điểm bắt đầu thu phí từ tháng 9/2023. Do đó, tới nay vẫn chưa có mức phí sẽ thu với phương tiện đi cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Trước đó, khi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, với các dự án thành phần kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra mức phí dự kiến áp dụng cho các dự án này tới năm 2044.

Theo phương án thu phí trên, mức phí bình quân trong 24 năm (từ 2021-2044) với các dự án BOT là 2.500 đồng/km/xe ô tô tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi), mức phí khởi điểm 1..500 đồng/km/xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi, định kỳ 3 năm tăng phí 1 lần với mức tăng thêm 12%.

Cụ thể, trong 3 năm đầu nhà đầu tư được thu mức phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, sau đó tăng lên 1.700 đồng/km/xe cho 3 năm tiếp theo, sau đó lên 1.900 đồng/km/xe/3 năm, lên 2.100 đồng/km/xe/3 năm, lên 2.400 đồng/km/xe/3 năm, lên 2.700 đồng/km/xe/3 năm, lên 3.000 đồng/km/xe/3 năm, ba năm cuối là 3.400 đồng/km.

Với mức phí trên, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, mức lợi nhuận của nhà đầu tư khoảng 11,7%. Mức lợi nhuận này được tính toán trên cơ sở lạm phát khoảng 3%/năm, lãi vay ngân hàng khoảng 6,5%/năm.

Phương án thu phí BOT cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 kể trên được Bộ Giao thông vận tải tính toán tại thời điểm nghiên cứu phê duyệt dự án (năm 2018 - 2019), nên thời điểm dự kiến bắt đầu thu phí từ năm 2021, trên cơ sở dự án BOT đầu tiên hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới có dự án BOT cao tốc Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác. Hai dự án BOT còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến đưa vào khai thác năm 2024.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm