Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Chủ tịch Fed “dập tắt” hy vọng về cắt giảm lãi suất

Phố Wall đóng cửa giảm điểm vào 5/1 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng bác bỏ suy đoán rằng việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, trong khi đó các nhà đầu tư đánh giá một loạt báo cáo thu nhập của Mỹ…

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Chủ tịch Fed “dập tắt” hy vọng về cắt giảm lãi suất

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 274,30 điểm (-0,71%) xuống 38.380,12 điểm, S&P 500 mất 15,80 điểm (-0,32%) thành 4.942,81 điểm và Nasdaq Composite trượt 31,28 điểm (-0,20%) còn 15.597,68 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực S&P chính, chỉ có 2 lĩnh vực tăng điểm bao gồm công nghệ tăng 0,6% và chăm sóc sức khỏe tăng 0,3%. Vật liệu là ngành có mức giảm lớn nhất, đóng cửa thấp hơn 2,5% do ảnh hưởng từ mức sụt giảm 15,6% của Air Products sau khi nhà sản xuất khí công nghiệp này dự báo lợi nhuận năm 2024 thấp hơn ước tính.

Cổ phiếu Boeing mất 1,3% do có thông tin liên quan tới một số trục trặc mới về chất lượng ở dòng máy bay 737 MAX sẽ làm trì hoãn các đợt giao hàng.

Cổ phiếu Tesla giảm 3,7% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5. Piper Sandler đã cắt giảm mục tiêu giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện.

Trong khi đó, Nvidia đạt mức cao kỷ lục mới, thêm 4,8% khi Goldman Sachs tăng mục tiêu giá cổ phiếu.

Caterpillar đóng cửa tăng 2% sau khi đạt mức cao kỷ lục nhờ báo cáo lợi nhuận hàng quý cao hơn ước tính, trong khi cổ phiếu Estee Lauder vọt 12% khi thương hiệu mỹ phẩm MAC thuộc tập đoàn thông báo về mục tiêu cắt giảm khoảng 3% đến 5% lực lượng lao động của mình.

Cổ phiếu của Catalent leo 9,7% sau khi tập đoàn dược phẩm hàng đầu Châu Âu Novo Nordisk có kế hoạch mua lại nhà sản xuất thuốc theo hợp đồng trong một thương vụ hoàn toàn bằng tiền mặt trị giá 11,5 tỷ USD.

Theo dữ liệu của LSEG, đã có hơn một nửa số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả và ước tính thu nhập quý 4 đang được cải thiện mạnh mẽ, với khoảng 80% vượt kỳ vọng.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,99 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,58 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào 4/1, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cần có thêm bằng chứng về xu hướng hạ nhiệt bền vững của lạm phát rồi mới có thể tính đến việc cắt giảm lãi suất.

Tương tự, chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari đã viết trong một bài luận xuất bản hôm 5/1 rằng một nền kinh tế kiên cường có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong một thời gian.

Dữ liệu mới từ Viện Quản lý Cung ứng cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ đã phục hồi trong tháng 1, với thước đo giá đầu vào tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng. Chi tiết này làm tăng thêm nghi ngờ về thời gian cắt giảm lãi suất, vốn đã được khơi dậy bởi dữ liệu vào cuối tuần trước báo hiệu khả năng phục hồi của thị trường lao động trước các điều kiện tín dụng thắt chặt.

Thêm vào áp lực là Kho bạc Mỹ, với lợi suất trái phiếu 10 năm tăng trong ngày thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 1.

Jack Ablin, giám đốc đầu tư tại Cresset Capital ở Chicago, cho biết: “Các nhà đầu tư đang bị giằng xé giữa tỷ lệ lãi suất cao và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Họ không còn chắc chắn rằng đâu là tin tốt hay tin xấu nữa. Tăng trưởng mạnh mẽ hơn trên mặt trận kinh tế giúp Fed có thể linh hoạt trong việc giữ lãi suất ở mức cao khi biết rằng họ sẽ không giết chết nền kinh tế nhưng vẫn có vũ khí mạnh mẽ chống lại lạm phát”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 1 USD/thùng vào phiên 5/1 do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông và chiến sự Nga - Ukraine có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 66 cent, tương đương 0,9%, ở mức 77,99 USD/thùng và giá dầu thô WTI ổn định ở mức 72,78 USD/thùng, tăng 50 cent, tương đương 0,7%. Đây đều là mức tăng đầu tiên của cả hai hợp đồng sau 4 phiên.

Mức tăng hôm thứ Hai đến sau khi giá dầu giảm 7% trong tuần trước do lo ngại về hoạt động kinh tế yếu kém ở Trung Quốc và mờ dần kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tại Mỹ.

Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Trung Đông, nơi tiến trình đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas dường như khó nắm bắt, cho thấy căng thẳng ở khu vực sản xuất dầu sẽ kéo dài.

Tuy nhiên, nguồn cung dầu tăng cũng đang giữ giá trong tầm kiểm soát. Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ có thể tăng trong tuần trước.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ phục hồi, giá dầu trượt dốc

Chứng khoán Mỹ phục hồi, giá dầu trượt dốc

Phố Wall đã tăng điểm trở lại vào phiên 1/2 khi các nhà đầu tư chờ đón một loạt báo cáo thu nhập sẽ được công bố vào thứ Sáu. Trong khi đó, giá dầu giảm hơn 2% sau khi xuất hiện một báo cáo về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas...

Có thể bạn quan tâm